BBC dẫn lời Bộ trưởng Lao động Cuba Marta Elena Feito cho biết, danh mục các ngành cho phép tư nhân tham gia tăng từ 127 lên 2.000. Theo bà, chỉ có một vài ngành công nghiệp vẫn do nhà nước kiểm soát như truyền thông, y tế và quốc phòng.
Bộ trưởng Feito nhấn mạnh: “Lĩnh vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, đó là mục tiêu chính sách cải cách của chúng tôi nhằm giải phóng năng lực sản xuất”. Ngoài hàng trăm ngàn trang trại nhỏ, khu vực ngoài quốc doanh của Cuba chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp tư nhân nhỏ trong các lĩnh vực như tiểu thủ công nghiệp, vận tải và thương mại.
Quan hệ Mỹ và Cuba sau 60 năm căng thẳng đã được xoa dịu phần nào vào năm 2015 khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro đồng ý bình thường hóa quan hệ. Nhưng những nỗ lực của ông Obama đã bị người kế nhiệm là Donald Trump đảo ngược với sự ủng hộ của những người Mỹ gốc Cuba cực đoan.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát đi tín hiệu muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba nhưng giới quan sát chưa rõ mức độ ưu tiên của ông. Trước mắt, Tổng thống Joe Biden có ý định hủy bỏ ít nhất một số chính sách nghiêm khắc với Cuba, bao gồm cả việc nới lỏng các hạn chế đối với kiều hối. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, ông Biden khó có thể quay trở lại hoàn toàn với cam kết thời ông Obama.
Nền kinh tế Cuba đang gặp nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ và đại dịch Covid-19. Năm 2020, theo thống kê chính thức, kinh tế nước này giảm 11%, mức giảm sâu nhất trong gần 3 thập niên dẫn đến tình trạng khan hiếm các hàng hóa thiết yếu. Chính phủ đã giới hạn về số lượng các mặt hàng có thể mua. Trong ngành du lịch, doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 40% nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và lệnh cấm vận.
Omar Everleny Pérez, nhà kinh tế Cuba, nhận xét, động thái mở rộng kinh tế tư nhân là tích cực. Theo Bộ Lao động Cuba, hiện có 600.000 lao động tự do, chiếm khoảng 13% lực lượng lao động Cuba, và lĩnh vực này đã bị “ảnh hưởng nghiêm trọng” do khó khăn kinh tế. Các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba mô tả việc mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân là một phần trong kế hoạch hoàn thiện mô hình kinh tế và xã hội của Cuba.
Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã bắt tay vào những cải cách bị trì hoãn từ lâu, bao gồm loại bỏ hệ thống ngoại tệ kép, mở cửa hơn cho đầu tư nước ngoài và khuyến khích xuất khẩu. Năm 2020, Chính phủ Cuba đã mở lại một số cửa hàng bán các mặt hàng bằng USD.
Theo ông John Kavulich, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Thương mại Mỹ - Cuba, những cải cách kinh tế gần đây của Chính phủ Cuba có thể thu hút sự chú ý của Washington. Ông nói: “Điều quan trọng là chính phủ ông Joe Biden phải tin rằng chính phủ của Chủ tịch Cuba Díaz-Canel nghiêm túc trong việc tái cấu trúc nền kinh tế”.