Ngày 19-12, hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết, văn phòng của ông sẽ sớm mở một trang web, mở tài khoản Twitter và kênh Youtube để truyền tải chính sách, thông điệp nhà nước đến người dân tốt hơn.
Noi gương lãnh tụ Fidel
Việc kết nối Internet ở Cuba đã phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây khi chính phủ nước này cho mở các quán cà phê Internet, công viên wifi... Ông Diaz-Canel nhấn mạnh, điều quan trọng là chính phủ phải truyền thông điệp về chính sách qua Internet bởi số lượng người dân kết nối mạng ngày càng tăng. Bản thân ông Diaz-Canel đã mở tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter từ tháng 10 và các quan chức Chính phủ Cuba cũng làm theo.
Trước khi trở thành Chủ tịch Cuba, ông Diaz-Canel thường xuyên mang theo máy tính bảng khi dự các cuộc họp. Ông Diaz-Canel cho biết, ông muốn chính phủ truyền thông công khai, cởi mở với người dân giống như cách mà nguyên Chủ tịch Cuba Raul Castro hay lãnh tụ Fidel Castro đã làm.
“Chúng ta nợ người dân những thông tin rõ ràng và sát sườn, chúng ta cần phải làm như lãnh tụ Fidel”, ông Diaz-Canel nói. Lãnh tụ Fidel Castro nổi tiếng là một nhà hùng biện lôi cuốn với các bài nói chuyện trước báo chí và công chúng kéo dài hàng giờ, về những chủ đề bất chợt trên mọi khía cạnh của kinh tế-xã hội.
Lên nắm quyền, ông Diaz-Canel đã thể hiện một phong cách lãnh đạo cởi mở, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Ông Diaz-Canel đã yêu cầu các bộ trưởng xuất hiện trên một chương trình bàn tròn, được truyền hình, trước khi kỳ họp quốc hội diễn ra trong tuần này, để thể hiện tính chịu trách nhiệm của một tư lệnh ngành. Các bộ trưởng lao động và kinh tế đã giải thích luật lệ, quy định mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong khi bộ trưởng giao thông trình bày kế hoạch cải thiện giao thông ở thủ đô Havana. Trên Twitter, một số quan chức chính phủ đã tham gia các trao đổi dài với người dân Cuba, tạo không khí tin tưởng rằng đất nước đang bước sang một thời kỳ mới cởi mở hơn.
Quyết tâm cải cách
Diễn biến mới nói trên cho thấy quyết tâm thực hiện cải cách của Cuba, góp phần thúc đẩy phát triển của đảo quốc Caribbean.
Theo giới quan sát, các giới trong xã hội Cuba có sự đồng thuận cao đối với phương hướng cải cách kinh tế-xã hội nhưng vẫn có sự tranh luận nhất định về phương thức và tiến độ cải cách. Làm thế nào xây dựng chính sách kinh tế vừa có thể đảm bảo tăng trưởng, nâng cao năng suất, vừa có thể cải thiện phúc lợi của người dân là tiêu điểm quan tâm của các bên. Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba đã làm rõ những điều này. Dự thảo chỉ rõ nền tảng của chế độ kinh tế Cuba là chế độ sở hữu toàn dân xã hội chủ nghĩa và thể chế lãnh đạo kinh tế kế hoạch, đồng thời căn cứ vào lợi ích của xã hội, xem xét vai trò của thị trường để quản lý giám sát.
Hình thức chế độ sở hữu được Cuba thừa nhận bao gồm chế độ sở hữu toàn dân xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã, chế độ sở hữu hỗn hợp, chế độ sở hữu chính phủ, tổ chức quần chúng và cá nhân. Để đảm bảo sự bình đẳng và công bằng xã hội, Cuba phản đối việc tập trung của cải vào bất cứ người nào hoặc pháp nhân phi nhà nước nào. Doanh nghiệp nhà nước là chủ thể của nền kinh tế quốc dân, lao động là giá trị căn bản của xã hội Cuba. Ngoại trừ phân công theo công việc, người dân Cuba còn được hưởng dịch vụ và phúc lợi xã hội rộng rãi, bình đẳng. Tóm lại, dự thảo Hiến pháp mới của Cuba đã nhắc lại các nguyên tắc của chế độ kinh tế cơ bản xã hội chủ nghĩa, trả lời một cách thẳng thắn các vấn đề mang tính kết cấu về kinh tế.