Nhiều rào cản ngặt nghèo
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ năm 2006 đến nay, DN Việt Nam đã phải trải qua 13 đợt rà soát hành chính năm (POR) và một lần rà soát hoàng hôn năm 2009 (là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức, hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát - nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại). Gần đây nhất là kết quả áp đặt quá cao của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong POR 13 lên sản phẩm cá tra Việt Nam đã có tác động đáng kể đến tiến trình tự do thương mại, quyền lợi người tiêu dùng Mỹ, ảnh hưởng đến ngành cá tra, sinh kế của nông dân Việt Nam.
Hiện sản phẩm cá tra có tỷ trọng lớn thứ 2 sau tôm, đạt 30% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ và chiếm 22% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ghi nhận thực tế kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá tra năm 2017 đã giảm 11% so với năm 2016, vì tác động thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn. Dự kiến năm 2018, sản phẩm cá tra còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa.
Cá da trơn nuôi tại tỉnh An Giang. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tôm xuất khẩu từ Việt nam cũng liên tục bị cơ quan chức năng của Mỹ thanh tra, kiểm tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, từ năm 2004, DOC bắt đầu tiến hành điều tra vụ kiện bán phá giá tôm của Việt Nam tại Mỹ. Toàn bộ các dạng tôm xuất khẩu đánh bắt hoặc nuôi từ Việt Nam đều nằm trong phạm vi điều tra, ngoại trừ tôm khô, tôm bột. DN Việt Nam hiện đã trải qua 12 đợt rà soát hành chính và 2 kỳ xem xét hoàng hôn. Đến năm 2013, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã đi đến quyết định ngành công nghiệp tôm của Mỹ không bị thiệt hại hay bị đe dọa gây thiệt hại về vật chất do việc trợ cấp của chính phủ các nước xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa vụ kiện đã kết thúc và con tôm Việt Nam có khả năng tránh được nguy cơ bị kiện, cũng như đối mặt với mức thuế chống bán phá giá trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Công thương thừa nhận, đây chỉ là trường hợp điển hình trong số hàng chục vụ kiện mà Chính phủ Mỹ đang nhắm vào hàng hóa xuất khẩu đến từ Việt Nam. Mới đây nhất, vào đầu tháng 5-2018, DOC đã chính thức áp mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép Việt Nam với mức thuế trên 250%. Ngoài ra, còn hàng chục mặt hàng khác đang trong giai đoạn điều tra.
Theo ý kiến của nhiều DN, vấn đề phòng vệ thương mại chỉ là một trong số rất nhiều rào cản hiện nay Mỹ đang áp dụng nhằm hạn chế sản phẩm xuất khẩu đến từ các nước, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Vấn đề đáng quan ngại lớn hơn là những tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động. Trên thực tế, những quy định này mới là nguyên nhân chính khiến nhiều DN xuất khẩu Việt điêu đứng.
Đơn cử, đầu năm 2018, với hàng hóa thủy hải sản, nông nghiệp, thực phẩm chế biến, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) áp dụng chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản. Theo đó, yêu cầu các DN xuất khẩu Việt Nam phải thực hiện khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát, hoặc gian lận thương mại.
Song song đó, ban hành danh mục 13 loài thuộc danh mục các loài có nguy cơ cao về khai thác IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý) và gian lận thương mại. Trong đó, có 4 loài thuộc danh mục xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm (kể cả tôm nuôi và đánh bắt tự nhiên), cá kiếm, cá ngừ, ghẹ xanh.
Các DN xuất khẩu các mặt hàng trên của Việt Nam cũng đã bị phía Chính phủ Mỹ yêu cầu: Những lô hàng xuất khẩu phải được tổ chức Earth Island của Mỹ cấp dấu “An toàn cá heo” mới được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Riêng về phía Chính phủ Việt Nam thì Chính phủ Mỹ yêu cầu DN xuất khẩu phải có chứng nhận của cơ quan Nhà nước đối với từng lô nguyên liệu nhập cảng. Giấy chứng nhận phải có đầy đủ thông tin tên tàu đánh bắt, sản lượng, khu vực, khoảng thời gian đánh bắt, ngày cập cảng, tên cán bộ giám sát…
Định rõ phân khúc thị trường để giảm thiểu rủi ro
Theo các chuyên gia kinh tế, những yêu cầu ngặt nghèo trên và sự tăng cường áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu của DN Việt Nam vào Mỹ ngày càng bị thu hẹp.
Trước thực tế đó, Bộ Công thương đã khuyến cáo DN nên chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đại diện tham tán thương mại của Úc nhấn mạnh thêm, DN xuất khẩu nội địa cần định vị lại thương hiệu, chất lượng sản phẩm Việt. Cần thấy rằng, sản phẩm Việt đang có vị trí tốt với mức độ uy tín cao trên thị trường thế giới. Mức độ ưa chuộng sản phẩm Việt cũng được cải thiện đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng. Do vậy, DN cần gia tăng đầu tư thêm hình thức, thương hiệu của sản phẩm.
Một vấn đề quan trọng khác là nên thay đổi cách đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường thế giới nói chung. Nên thay cách tiếp cận truyền thống (xuất khẩu thô và nhắm vào phân khúc rẻ tiền) bằng cách tiếp cận cao cấp hơn thông qua chuỗi cung ứng là hệ thống phân phối hoặc hệ thống nhà hàng, khách sạn. Đồng thời, nâng cao chất lượng để nhắm tới phân khúc cao cấp hơn trong nhu cầu của người tiêu dùng.
Ở góc độ DN, ông Lê Huy Hòa, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nutifood, khẳng định có 3 yếu tố cần đạt được để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ: Dây chuyền sản xuất phải hiện đại, đạt tiêu chuẩn G7; Con người vận hành dây chuyền sản xuất và dây chuyền sản xuất phải được FDA chứng nhận; DN cần xác định mục tiêu thị trường xuất khẩu để đầu tư nhà máy sản xuất, chất lượng sản phẩm phù hợp. Xác định rõ được 3 yếu tố trên sẽ giúp DN vượt rào cản và trụ chân tốt hơn ở thị trường Mỹ - vốn ngày càng khó tính và khắt khe hơn.