Đây là sự kiện do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp tổ chức, thu hút gần 100 nhà khoa học (16 quốc gia) tham gia, trình bày các công trình nghiên cứu mới nhất của mình.
Hội nghị được tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần, tại TP Quy Nhơn. Năm nay, hội nghị diễn ra từ ngày 13-8 đến ngày 18-8; gồm phiên họp toàn thể với các báo cáo mới nhất, thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Các chủ đề chính của hội nghị gồm: Thiên văn học Gamma Ray; Các tia vũ trụ; Thiên văn học Neutrino; Gamma Ray Bursts; Vật chất tối; Đa thiên văn…
Trọng tâm của hội nghị này bao quát nhiều vấn đề bao gồm xuất xứ và sự lan truyền của các tia vũ trụ, các sao nhỏ, tia gamma thiên văn, chớp gamma, neutrino năng lượng cao, tìm kiếm năng lượng tối... Bước đột phá thực sự trong những quan sát gần đây là sự ra đời của thiên văn học “đa thiên sứ”. Với sự phát hiện về sóng hấp dẫn và các tín hiệu đi kèm với tia gamma, các máy dò khác nhau trên thế giới đang được kết nối thông qua mạng lưới cảnh báo để có thể quan sát và nghiên cứu cùng một đối tượng nhưng từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau…
Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận các công trình liên quan đến những nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực tia vũ trụ năng lượng rất cao (UHECR). Các nhà khoa học sẽ giải thích việc tìm kiếm nguồn neutrino và gamma là rất cần thiết. Trong đó, các phép đo thành phần của tia vũ trụ vẫn sẽ là một chủ đề nóng. Hội nghị cũng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực neutrino năng lượng cao và sẽ tập trung vào những khía cạnh mới trong việc quan sát các hiện tượng năng lượng cao trong Vũ trụ.
Đối với Việt Nam, Vật lý hạt, Vật lý thiên văn, Vũ trụ học vẫn là những lĩnh vực còn hết sức mới, lạ. Từ đó, GS Dumarchez Jacques (Đại học Paris 6, Pháp), đại diện Ban Tổ chức các kỳ gặp gỡ Việt Nam, đưa ra thông điệp từ hội nghị: “Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này nên chúng tôi mời các chuyên gia nước ngoài đến đây để giới thiệu 2 lĩnh vực Vật lý hạt và Vật lý thiên văn vào Việt Nam. Hội nghị sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam tiếp cận với những kiến thức mới trong các lĩnh vực này. Hội nghị sẽ là nơi các nhà khoa học trên thế giới gặp gỡ, trao đổi, trình bày những kết quả nghiên cứu của bản thân mình. Trong quá trình đó, các nhà khoa học tại Việt Nam sẽ có điều kiện học hỏi và biết được những kết quả mới nhất trong ngành mình đang nghiên cứu. Đây là môi trường tốt để chúng ta gặp gỡ trao đổi những ý tưởng của mình và đặc biệt hơn hết là những hợp tác sau này”.
Cuối cùng GS Dumarchez Jacques hy vọng, hội nghị sẽ tạo được sự khởi đầu trong các lĩnh vực về Vật lý hạt, Vật lý thiên văn, Vũ trụ học ở quy mô đại học cho Việt Nam. Từ đó, các nhà khoa học, học sinh sinh viên, giới trẻ đam mê khoa học tại Việt Nam có thể được tiếp cận với những dữ liệu, tài liệu mới trong nền khoa học đương đại thế giới.