Trên thế giới mà cụ thể tại Pháp, Giáo sư Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc (2 nhà khoa học người Pháp gốc Việt) là những người mẫu mực, chiếm được thiện cảm lớn lao của giới khoa học châu Âu và là 2 nhân vật nhận được nhiều huân, huy chương công trạng lớn của Chính phủ Pháp. Còn trở về tuổi già tại quê nhà Việt Nam, vợ chồng GS Vân được ví như “ông bà tiên” không chỉ vì sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà mà còn là người đỡ đầu, giúp cho hàng ngàn trẻ em mồ côi ở các làng SOS…
GS Trần Thanh Vân là một người mà hầu hết những nhà nghiên cứu Vật lý trên thế giới đều biết đến. Ông là “cánh chim” đầu đàn dẫn dắt ngành khoa học vật lý thế giới. GS Vân là người thứ 2 của Pháp và là người gốc Á thứ 3 được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate năm 2012 với công trạng dẫn dắt ngành Vật lý thế giới trong nhiều thập niên. Chính phủ Pháp đã trao Huân chương Công trạng Quốc gia và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh; và ông cũng được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Cộng đồng khoa học Vật lý thế giới còn nhớ những sự kiện lớn tại Gặp gỡ Moriond (năm 1966) và Gặp gỡ Blois (năm 1989) do GS Trần Thanh Vân sáng lập, tổ chức.
Ở những không gian cực kỳ lý thú, yên tĩnh những người làm khoa học cùng ngồi lại với nhau để trải nghiệm, trượt tuyết, ngắm cảnh hoặc trao đổi, mổ xẻ những nghiên cứu, phát hiện mới bên lò lửa.
Từ Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois, đến năm 1993, vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng một điểm gặp gỡ, trao đổi, giao lưu khoa học tại Việt Nam. Đây sẽ là cầu nối, là cánh cửa để kết nối bầu trời khoa học thế giới với Việt Nam. Từ những năm 1993 trở về sau, vợ chồng GS Trần Thanh Vân mang theo 2 triệu USD lặn lội đến 6 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung để chọn nơi đặt “tổ ấm” mới cho các nhà học, đặc biệt các nhà Vật lý thế giới.
“Khi đến Bình Định, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, quyết giữ chân để đưa đi khảo sát vị trí đặt dự án. Ngày ấy, thung lũng Quy Hòa vẫn còn hoang sơ, với những ngôi làng nhỏ và cánh đồng ruộng trũng thường xuyên bị ngập. Chúng tôi phải sử dụng thuyền và đi trong các bụi rậm để khảo sát vị trí. Mặc dù địa hình trắc trở, nhưng tôi lại rất thích vị trí này nên quyết tâm đặt dự án, ý tưởng ở đây”, GS Trần Thanh Vân kể lại.
Đến năm 2011 sau khi UBND tỉnh Bình Định trình xin dự án lên các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ thì Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) bắt đầu khởi công, đến tháng 8-2013 đi vào hoạt động.
“ICISE ra đời với ước nguyện sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ trong nước nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. Hiện, ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đạt giải Nobel”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, ICISE đã tổ chức hơn 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đặc biệt, nơi đây cũng đã mời được về 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học), 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học), 1 giáo sư đạt giải Shaw (được xem là Nobel Phương Đông), 1 giáo sư đạt giải Dirac, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và Cino Delduca (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, hội khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” còn tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, nói chuyện với các GS đoạt giải Nobel dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt, Hà Nội và TPHCM…
Các sự kiện nổi bật nhất tại ICISE phải kể đến “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016 (từ ngày 26-6 đến ngày 17-12-2016) diễn ra 12 hội nghị khoa học quốc tế và 3 lớp học chuyên đề vật lý quốc tế với sự tham gia của hơn 1.600 nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong số này, ICISE đã mời về 5 giáo sư đạt giải Nobel, 1 giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Còn tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022 có 16 hội nghị khoa học quốc tế và trong nước và 8 lớp học chuyên đề khoa học với sự tham gia của hơn 1.800 nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có Giáo sư Duncan Haldane đạt giải Nobel Vật lý 2016 (giáo sư của Đại học Princeton, Mỹ) lần đầu tiên tới Bình Định và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Dịp này, ICISE cũng tổ chức hội nghị “điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”. Sự kiện này được Hội đồng chủ trì đề án trình Liên Hợp Quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới. Đặc biệt, hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học, Đạo đức học và Phát triển con người” diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16-9-2022 tại ICISE đã được trao danh hiệu “Sự kiện Lục địa hàng đầu cho Châu Á” trong khuôn khổ Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững năm 2022…
Nói về ICISE và những đóng góp thiết thực của vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Giáo sư Sheldon Lee Glashow (đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979, Đại học Harvard, Mỹ) chia sẻ: "ICISE đã trở thành một kho báu vô giá và mãi mãi sẽ giữ nguyên giá trị của nó, một giá trị không thể thiếu không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học và sinh viên của Việt Nam mà còn dành cho các nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên, các nhà giáo dục trên khắp năm châu. ICISE đã vươn mình trở thành một nơi chắc chắn phải được coi là Di sản Khoa học Thế giới…
Trong các chuyến ghé thăm của mình tại Việt Nam (trong đó có 3 lần ở ICISE), GS. Jerome Friedman (Nobel Vật lý năm 1990), đã viết một bức thư gợi ý về việc thành lập một viện nghiên cứu cơ bản quốc tế kết hợp với ICISE. Trong đó, GS Friedman có đề cập mục tiêu của viện nghiên cứu này nhằm bắt “cầu nối” khoa học giữa Việt Nam với thế giới, thu hút các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế cùng làm việc để phát huy nguồn chất xám cho ICISE mỗi năm.
Đến năm 2017, ICISE đã đứng ra chủ động tranh thủ bằng các đối tác, quan hệ của mình để thành lập Viện nghiên cứu IFIRSE. Sau đó, viện này đã thành lập 2 nhóm nghiên cứu về Vật lý lý thuyết và Vật lý Neutrino với 4 nghiên cứu viên thường trực, 1 nghiên cứu sinh. Từ năm 2022, Viện IFIRSE tiếp tục thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý thiên văn SAGI với sự tài trợ của Quỹ Simons (Mỹ) trong 3 năm, với mục tiêu phát triển Vật lý thiên văn tại Việt Nam do TS Nguyễn Trọng Hiền (đang làm việc tại NASA) chủ trì dự án.
Tính đến nay Viện đã tài trợ và tiếp nhận 25 lượt sinh viên ngành Vật lý của Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Trường Đại học Quy Nhơn đến làm thực tập khoa học. Gần 100% sinh viên được nhận học bổng toàn phần học thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng ở các nước Châu Âu, Mỹ.
Ngoài ra, IFIRSE cũng đã tài trợ để mời 3 nghiên cứu sinh và 2 postdoc (nhà nghiên cứu sau tiến sĩ) người Việt Nam và người nước ngoài đến nghiên cứu ngắn hạn…
TS. Trần Thanh Sơn cho biết thêm, vừa qua, nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino (IFIRSE) đã đại diện cho Việt Nam tham gia thí nghiệm quốc tế T2K về hạt neutrino cùng đại diện 11 quốc gia tham dự tại Nhật Bản. Trong đó, nhóm đã nhận được sự cố vấn khoa học của GS. Nakaya Tsuyoshi (Đại học Kyoto, Nhật Bản).
Cũng nhờ sự tài trợ, giúp đỡ từ các đối tác ở Nhật Bản, ICISE đã lắp đặt được 1 phòng thí nghiệm với các thiết bị tiên tiến từ Nhật để có bắt đầu làm được một số thí nghiệm nhỏ về neutrino tại Quy Nhơn. Phòng thí nghiệm này tập trung vào các nghiên cứu liên quan đến vật liệu phát quang, đo các tia vũ trụ với hệ đếm cỡ nhỏ và bộ chuyển đổi nhanh tín hiệu analog sang tín hiệu số, sensor ánh sáng yếu có tên là MPPC…
Trong giai đoạn 2017 – 2020, Viện IFIRSE được tổ chức Nature Index xếp thứ 5 trong “TOP” 10 cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Trong năm 2019, Viện vươn lên xếp thứ 4 trong TOP 10 cơ sở nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Vừa rồi, Viện IFIRSE đã nhận được sự quan tâm và đồng ý làm thành viên hội đồng khoa học từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới, trong đó có Giáo sư Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago, Mỹ)…