Thay đổi phương án xoành xoạch
Ghi nhận của PV Báo SGGP, đoạn quốc lộ 1A từ quận Bình Tân đến huyện Bình Chánh dài khoảng 3km nhưng bị nhiều “nút thắt cổ chai” khiến cửa ngõ phía Tây TPHCM thường xuyên ùn tắc, nhất là dịp lễ, tết. Quốc lộ 1A qua huyện Bình Chánh (từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An) dài gần 10km là cửa ngõ chính từ thành phố về ĐBSCL, đồng thời là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn nên ngoài tình trạng ùn ứ do mặt đường hẹp, khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì chưa làm dải phân cách ngăn làn ô tô và xe máy.
Cách đây hơn 10 năm, TPHCM đã tính mở rộng đoạn đường trên nhưng chưa làm vì thiếu vốn. Năm 2012, ngành giao thông thành phố đề xuất nâng cấp trước đoạn 2,5km từ Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận để tháo dần điểm nghẽn cho khu vực sau khi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đưa vào khai thác. Tuy nhiên kế hoạch này mới nằm trên giấy. Ba năm sau, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO), nhà đầu tư dự án BOT An Sương - An Lạc, đề xuất bổ sung vào hợp đồng hạng mục nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh. Dự tính khi đó sẽ mở rộng lên 35m, tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng. Nhưng do vướng quy định không được áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu nên dự án lại bế tắc.
Trong bối cảnh quốc lộ chưa thể mở rộng, năm 2016, thành phố triển khai dự án đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt qua tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương theo hình thức BOT, tổng vốn hơn 1.550 tỷ đồng. Công trình dài 2,7km giúp xe thuận tiện qua lại giữa 2 trục đường thay vì phải vòng xuống quốc lộ 1A. Tuy nhiên, khi mới thi công được hơn 10%, dự án phải dừng do nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh không đủ năng lực và liên quan hàng loạt sai phạm. Đến nay, công trình vẫn “trùm mền” chờ thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT.
Trước yêu cầu cấp bách, Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất mở rộng 10km quốc lộ 1A từ An Lạc đến giáp Long An (cùng với 4 dự án khác) theo hình thức BOT. Theo đó, đoạn này sẽ được mở rộng lên 52m, kinh phí dự kiến gần 12.900 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Ngân sách sẽ góp 50%, còn lại do nhà đầu tư huy động. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho rằng, hiện chưa thể xác định mốc thời gian cụ thể vì liên quan nhiều khâu thủ tục pháp lý cần phải rà soát chặt chẽ.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư các công trình giao thông TPHCM, nhằm giảm áp lực giao thông tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, ban đang phối hợp Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai đầu tư hoàn chỉnh nút giao quốc lộ 50 và nút giao Nguyễn Văn Tạo kết nối vào tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành quy mô 6 làn xe đồng bộ với dự án mở rộng quốc lộ 50 dự kiến khởi công quý 3-2024, hoàn thành quý 3-2025.
Khẩn trương khơi thông cửa ngõ phía Đông
Quốc lộ 13 là cửa ngõ quan trọng của TPHCM nối với các tỉnh thành Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đặc biệt kết nối với tỉnh Bình Dương - địa phương có tốc độ phát triển cao, năng động. Tại Bình Dương, tuyến đường này đang được thi công mở rộng lên 8 làn xe. Trong khi đó đoạn qua địa bàn TPHCM vẫn còn 4-6 làn xe, hai bên đường cảnh quan đô thị nhếch nhác, nhiều đoạn không có vỉa hè. Hàng ngày hàng ngàn phương tiện giao thông vẫn chen chúc nhau ra vào cửa ngõ này. Việc mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM gặp nhiều gian nan do bị điều chỉnh dự án nhiều lần. Hơn 2 thập niên, kế hoạch mở rộng quốc lộ 13 vẫn nằm... trên giấy. Đây là một trong những hạng mục của dự án xây dựng cầu Bình Triệu 2 giai đoạn 1 đã được triển khai. Dự án do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 thực hiện theo hợp đồng BOT được ký năm 2001. Ban đầu dự kiến mở quốc lộ 13 lên 32m, sau đó TPHCM yêu cầu nâng lên 53m. Do mức vốn vượt khả năng tài chính nên sau khi làm xong cầu Bình Triệu 2, năm 2004 nhà đầu tư xin dừng dự án.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, thời gian tới áp dụng cơ chế đặc thù (Nghị quyết 98), dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 sẽ là một trong những dự án được ưu tiên áp dụng cơ chế này để kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Với Nghị quyết 98, TPHCM sẽ từng bước tháo được các nút thắt giao thông cửa ngõ thành phố.