Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho
“Cửa hàng 0 đồng” xuất phát từ ý tưởng của Cha phó nhà thờ Tân Sa Châu, nhằm hướng đến những người nghèo khó, người có hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. Hưởng ứng ý tưởng nhân văn này, các thành viên trong giáo xứ đã cùng nhau kêu gọi quyên góp quần áo cũ để thành lập cửa hàng.
Nói là cửa hàng nhưng thực chất ở đây chỉ có 3 - 4 giá đỡ dựng lên từ thanh sắt căng ngang để treo quần áo. Cửa hàng không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ là nơi để mọi người cùng nhau chia sẻ, với một tiêu chí duy nhất “ai thiếu đến lấy, ai dư đem đến cho”, là nơi trao niềm vui đến cả người cho lẫn người nhận.
Cửa hàng được dựng trong sân nhà thờ mở cửa từ 6 giờ đến 11 giờ, liên tục từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Ở đây có hàng trăm bộ áo quần, giày dép, mũ bảo hiểm, ba lô… với nhiều kích cỡ cho trẻ nhỏ lẫn người lớn. Mọi thứ luôn được bày sẵn, sạch sẽ, gọn gàng, khách hàng có thể thoải mái đến lựa chọn và mang về những món đồ mà mình cần.
Một phụ nữ bán vé số đứng cạnh chi Nhi, đang lựa bộ đồ lụa, tiếp lời: “Đi bán từng tờ vé số, đi cả ngày có khi cũng chỉ kiếm được trăm ngàn tiền lời, đâu dám mơ đến những bộ quần áo vải lụa đẹp như này. Chỉ xin một bộ thôi, về để dành, có dịp đi đâu mới dám mặc. Còn lại để dành phần cho những người khác còn khó khăn như mình nữa”.
Lan tỏa tình yêu thương
Câu chuyện về “Cửa hàng 0 đồng” tại nhà thờ Tân Sa Châu nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng, nhất là những người dân TPHCM có dịp đi ngang qua đường Lê Văn Sỹ. Hàng ngày, nơi này vẫn thường xuyên đón tiếp rất nhiều người với đủ thành phần. Những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ đến chọn cho mình những bộ quần áo, đôi dép đang cần. Các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến tặng những áo quần còn mới nhưng không sử dụng, hoặc những món quà khác để sẻ chia cùng cộng đồng. Một nơi gặp gỡ thật nhân văn, không phân biệt giàu nghèo; nhìn thấy ai cũng nói cười vui vẻ, đầy tình người và sự cảm thông.
Những món đồ cho tặng được tập kết sau đó phân loại, làm sạch, một phần bày tại gian hàng cho những người dân trên địa bàn TPHCM, số còn lại được vận chuyển lên các tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm kết nối và san sẻ tình yêu thương với nhiều hoàn cảnh trong xã hội. Hy vọng rằng, sự chung tay của tất cả mọi người sẽ là tiền đề cho “cửa hàng 0 đồng” ngày càng lớn mạnh, được duy trì xuyên suốt; có thêm nhiều hoàn cảnh được sẻ chia và giúp đỡ.