Tháng 8 này chứng kiến sự khai trương liên tục của các cửa hàng Co.op Food - chuỗi cửa hàng bán lẻ thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) bởi có ngày có đến 3-4 cửa hàng đồng loạt mở cửa. Thông tin từ Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op (Co.op Food) cho biết, tháng 8 này, sẽ có 10 cửa hàng Co.op Food được khai trương và đi vào hoạt động. Như vậy, Co.op Food chính thức đạt 541 điểm bán trên toàn quốc, với 460 cửa hàng tại TPHCM, 80 cửa hàng tại Bình Dương, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Bạc Liêu, An Giang, Đà Nẵng, Phú Yên, Hải Phòng, Khánh Hòa.
Với thiết kế hiện đại, không gian mua sắm thuận tiện, diện tích trung bình từ 200m2 trở lên, kinh doanh từ 4.000-6.000 mặt hàng từ thực phẩm, công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng... đến các loại nông sản, rau củ quả, thực phẩm tươi sống chất lượng cao được khuyến mãi giảm giá 30%-50% nhân dịp khai trương, các cửa hàng mới rất được lòng khách hàng. Theo ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, xu hướng các cửa hàng nhỏ và vừa đang chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại hiện đại tại TPHCM và các thành phố lớn trên cả nước. “Xác định cửa hàng quy mô vừa và nhỏ có nhiều lợi thế để phát triển trong giai đoạn tới, Saigon Co.op đang đẩy mạnh hơn nữa độ phủ lẫn doanh thu chuỗi cửa hàng Co.op Food giai đoạn sắp tới. Tất cả cửa hàng đều được đặt tại những vị trí thuận lợi, gần khu dân cư, trường học để khách hàng có thể bước ra ngõ là gặp”, ông Sơn cho biết.
Ngoài chuỗi cửa hàng Co.op Food, năm 2022, thị trường bán lẻ ở phân khúc cửa hàng vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi cũng đang chứng kiến nhiều tên tuổi tham gia. Chẳng hạn nhà bán lẻ từ Nhật là Aeon đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng siêu thị nhỏ tại Hà Nội. Nova Market (thuộc Nova Commerce) cũng đặt tham vọng vào mảng này khi đã có hơn 10 cửa hàng tại TPHCM. Central Retail cũng đẩy mạnh mở Tops Market tại các chân tòa nhà chung cư… Bên cạnh đó, thị trường cũng có những cửa hàng vừa và nhỏ của các doanh nghiệp sản xuất như: CP Foods, CP Fresh Mart của C.P. Việt Nam; San Hà Food của Công ty San Hà, Vissan của Công ty Vissan… Đáng chú ý, hầu hết các nhà bán lẻ đều chọn địa điểm mở ở các khu dân cư hoặc khu chung cư để mang đến sự tiện lợi nhất cho người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ tại Việt Nam hiện được định giá 170 tỷ USD với dự báo tăng trưởng 10% trong 5 năm tới. Sự gia tăng số lượng người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, hiểu biết về công nghệ, mua sắm sành điệu, cùng sự phát triển của chuỗi bán lẻ… đã mở đường cho sự phát triển của lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Tuy vậy, sau dịch, sự linh hoạt của các chuỗi siêu thị mini với tính thích ứng cao được người tiêu dùng chọn lựa mua sắm nhiều hơn đã và đang làm cho cuộc đua thị trường bán lẻ năm 2022 tập trung vào phân khúc này.
Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam dự báo, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên cạnh tranh trên thị trường vẫn luôn diễn ra bởi khi thị trường càng tiềm năng thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính mạnh tham gia. Và các hệ thống bán lẻ Việt cần có chiến lược, hướng đi riêng, khác biệt để tiếp tục nâng cao năng lực, chuẩn bị cho sự cạnh tranh sắp tới.
Để cạnh tranh và giữ vững thị phần, các nhà bán lẻ Việt đều có những chiến lược tiếp cận khách hàng riêng. Điển hình như Co.op Food, ngoài chú trọng chất lượng hàng hóa, kiểm soát chặt đầu vào sản phẩm bằng những quy trình nghiêm ngặt sẽ tập trung nhiều vào công nghệ để tối ưu hóa chi phí, kết hợp kinh doanh online - offline, nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng. Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động phụ trợ đi kèm, sao cho mỗi điểm bán không chỉ là nơi mua hàng thiết yếu mà còn kết nối toàn bộ hoạt động của Saigon Co.op. Nhờ chiến lược bài bản, Co.op Food từng bước chinh phục người tiêu dùng Việt với lượng khách mua sắm bình quân mỗi ngày khoảng 150.000 lượt. Theo kế hoạch, năm nay, hệ thống này sẽ mở thêm gần 100 cửa hàng trên khắp cả nước.