Theo bản báo cáo mới nhất về quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố vẫn giữ kịch bản hướng tới mô hình cấu trúc đô thị đa trung tâm với phương án hình thành 5 đô thị vệ tinh là 5 huyện ngoại thành, một đô thị khác là TP Thủ Đức và khu vực đô thị trung tâm hiện hữu gồm 16 quận. Vì vậy, nhìn trên tổng thể của cả 2 bản quy hoạch phát triển TPHCM và kinh tế - xã hội thì 5 huyện thị nói trên gần như là tâm điểm của sự chuyển biến và là dư địa của phát triển thành phố.
Xét trên cả 2 cơ sở tự nhiên - xã hội, cũng như từ góc nhìn của lịch sử - hiện tại, Củ Chi là đầu nguồn của sông Sài Gòn, Cần Giờ sở hữu rừng nguyên sinh giáp biển, Nhà Bè là ngã ba sông, đóng dấu lên vị trí chiến lược từ thời “mang gươm đi mở cõi”… Với quỹ đất lớn, là vùng giao thoa, chuyển tiếp để thực hiện chiến lược liên kết vùng Đông Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long, đây có thể xem vừa là “của để dành” vừa là “cực phát triển” mới cho sức phát triển của thành phố.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch không gian phát triển, việc minh định các trung tâm của TPHCM tại 5 huyện này được nhận diện và xác lập rõ ràng, nhất quán. Đó là trung tâm biển (với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ), trung tâm y tế (huyện Bình Chánh, một phần quận Bình Tân), trung tâm dịch vụ cao cấp (huyện Nhà Bè, mở rộng từ quận 7), các khu công nghiệp theo những ngành nghề mới như cơ khí chính xác, dược (huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi), khu nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó là hạ tầng dịch vụ phục vụ nông nghiệp đô thị (huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi).
Với 5 “hình thái” trung tâm nêu trên, các nhóm giải pháp thực thi đi kèm đã được hình thành, cũng trên nền tảng tôn trọng, hài hòa, khai thác các giá trị (cũng là ưu thế) tài nguyên thiên nhiên và văn hóa - xã hội, kết hợp di sản và hiện đại, vừa “thuận thiên” vừa tuân theo quy luật, xu hướng phát triển của thị trường, xã hội.
Điển hình như nhìn vào cả 5 trung tâm, tính đô thị được hướng theo tính sinh thái; trong đô thị phức hợp bao gồm thành tố đô thị xanh; đô thị du lịch phải tích hợp cả dịch vụ xanh và hiện đại; trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thì thiên theo hướng nông nghiệp đô thị…
Giá trị cốt lõi mà 5 đô thị vệ tinh hướng tới vẫn không ngoài cân bằng việc khai thác, phát triển dịch vụ, tiện ích, hiện đại của vật chất với quá trình tạo lập, giữ gìn, thụ hưởng lối sống, cách sống căn cơ, tập tính cố kết cộng đồng của văn hóa, tập quán an hòa, an toàn, hạnh phúc vốn có.
Tất nhiên, còn khá nhiều “công đoạn” phải xử lý rốt ráo, từ tồn tại thực tế đến những dự phóng trong các bản quy hoạch phải tính toán cho phù hợp, đảm bảo tính đi trước của công nghệ và tính bền vững trong sử dụng quỹ đất để dành.
Ví dụ như các khu xử lý vệ sinh môi trường (trong đó có “điểm nóng” rác thải ở Củ Chi, Bình Chánh), công nghệ cũ đang đồng bộ với diện tích đất lớn liệu có là lựa chọn đúng? Hay việc xây dựng các hồ điều tiết lớn như một giải pháp chống ngập của thành phố có ảnh hưởng đến mật độ lẫn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như việc tối ưu hóa tài nguyên đất đai?
Hay trong quá trình triển khai và hiện thực hóa 5 đô thị vệ tinh - trung tâm nói trên, trong từng bước dịch chuyển của mô hình huyện lên quận; huyện lên thành phố trực thuộc, còn nhiều thử thách. Thành phố ưu tiên và có phần thuận lợi trong bước chuyển thứ hai với lý do không chỉ đủ đáp ứng các tiêu chí mà còn là chủ đích giữ lại tối đa 35% số xã nông nghiệp hiện có nhằm tạo ra vùng đệm trong quá trình đô thị hóa.
Đây chính là cơ sở để thành phố chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng không” vào năm 2050. Bên cạnh đó là nỗ lực tập trung đầu tư để tạo sự chuyển biến về lượng lẫn chất trong các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội, đời sống tốt nhất cho người dân 5 huyện ngoại thành trong “cơ thể hữu cơ” phát triển chung của thành phố.