Với sự tham gia của 108 nhà văn, dịch giả trong cả nước cùng đại diện các NXB của 32 quốc gia trên thế giới, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ diễn ra từ 5 đến 10-1-2010, được xem là hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã gặp gỡ một số nhân vật có ảnh hưởng đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài để tìm hiểu tình hình cũng như khả năng của văn học Việt Nam trên con đường xuất ngoại.
Dịch giả Hoàng Thúy Toàn-Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội nhà văn Việt Nam: Cần dịch giả bản xứ chuyển ngữ
- Phóng viên: Thưa ông, cái khó nhất của việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay là gì?
- Dịch giả HOÀNG THÚY TOÀN: Dĩ nhiên là dịch thuật. Điều đó cũng giống y như đối với các tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam. Một tác phẩm dù có nổi tiếng, có hay đến mấy nhưng nếu chưa chuyển ngữ, chưa dịch thì việc tiếp cận bạn đọc trong nước cũng rất khó khăn. Tác phẩm nổi tiếng còn thế huống gì các tác phẩm của chúng ta vốn vẫn chưa được bạn đọc nước ngoài biết đến nhiều.
- Vậy để có được các tác phẩm chuyển ngữ văn học trong nước có chất lượng tốt nhằm giới thiệu cho bạn đọc nước ngoài, chúng ta cần làm gì?
- Trước hết cần phải chú ý rằng, các tác phẩm văn học nước ngoài hay, được giới thiệu với bạn đọc trong nước từ trước đến nay, thì dịch giả đều là người trong nước. Các dịch giả đó có trình độ ngoại ngữ tốt, trình độ tiếng Việt giỏi và nhất là am hiểu văn hóa của đất nước mình. Chính vì thế, khi dịch họ có thể biến chuyển một số chi tiết của nguyên tác sao cho bạn đọc trong nước có thể hiểu được, đồng thời giữ nguyên cái hồn của tác phẩm gốc.
Đối với việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài tình hình cũng y như thế. Dĩ nhiên, dịch giả của chúng ta cũng có người làm được nhưng nhiều vấn đề văn hóa ta không thể bằng được chính bản thân những người bản xứ, nhất là khi dịch giả bản xứ đó cũng làm văn học.
Trên thực tế, vừa qua có nhiều bản dịch tác phẩm văn học trong nước có chất lượng cao, được bạn đọc thế giới đón nhận, đều là của các dịch giả nước ngoài như giáo sư, nhà thơ Mỹ John Balaban, người đã dịch các tác phẩm thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh. Hay như trước đây có nữ dịch giả Ý Joyce Lussu dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Ý, nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai dịch sang tiếng Mông Cổ…
Do đó tôi cho rằng, trước mắt việc dịch các tác phẩm văn học trong nước sang tiếng nước ngoài thì một số dịch giả trong nước vẫn có thể làm tốt. Nhưng để quảng bá rộng rãi văn học nước nhà trên thế giới, chúng ta lại rất cần tới sự quan tâm của dịch giả các nước đối với tác phẩm Việt Nam.
- Vậy cần làm gì để dịch giả thế giới mặn mà hơn với tác phẩm của Việt Nam?
- Thực ra, dù chưa có một hoạt động cụ thể nào để khuyến khích dịch giả nước ngoài dịch văn học trong nước, nhưng bằng tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam, nhiều dịch giả đã tự dịch các tác phẩm Việt như Hàn Quốc, Rumani dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật Bản dịch một số truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh… Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tình yêu không thì lại chưa đủ. Các dịch giả dù yêu quý Việt Nam nhưng họ cũng phải sống, việc dịch vì yêu mến họ chỉ có thể làm những lúc rảnh rỗi, mang tính thời vụ hơn là một công việc thực sự.
Để thay đổi tình hình này rất cần đến một sự đầu tư thiết thực của Nhà nước. Một sự đầu tư đúng đắn sẽ tạo điều kiện để các dịch giả thế giới có cơ hội thể hiện nhiều hơn tình cảm của họ đối với các tác phẩm văn học Việt Nam. Ở lĩnh vực dịch thuật cánh cửa đã mở, chỉ còn thiếu một lối đi để tác phẩm trong nước đi ra với thế giới.
Ông Phạm Minh Thuận, TGĐ của Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa): Vai trò của phát hành rất quan trọng
- Là một nhà phát hành có nhiều kinh nghiệm, theo ông việc phát hành sách Việt Nam ra nước ngoài có thể thực hiện như thế nào?
- TGĐ PHẠM MINH THUẬN: Dù không được mời tham dự hội nghị nhưng vai trò quan trọng của các nhà phát hành vẫn được thừa nhận, việc quên mời các nhà phát hành là một thiếu sót. Để đưa sách ra nước ngoài, hiện nay Fahasa có thể thông qua hai con đường là các đơn vị bán sỉ sách quốc tế và hệ thống những nhà sách của các nhà phát hành sách ở các quốc gia. Do mối quan hệ lâu năm, hiện nay các đơn vị này đều khẳng định sẽ hỗ trợ phát hành sách Việt, số lượng trước mắt không nhiều nhưng ít nhất cũng tạo được điều kiện để bạn đọc thế giới biết đến văn học Việt Nam.
- Liệu có rào cản nào cho sách Việt ra nước ngoài không?
- Rất nhiều. Ở đây tôi không bàn đến chất lượng dịch thuật hay nội dung mà chỉ bàn tới vấn đề hình thức của sách. Sách cho bạn đọc nước ngoài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khác nhau, từ mã số sách quốc tế ISBN đến những vấn đề có vẻ rất nhỏ ở trong nước như mực in không độc, đóng xén, minh họa…
Lấy một ví dụ, ở Việt Nam sách chất lượng cao là giấy phải trắng tinh, mực thì đen nhánh, nhưng ở nước ngoài sách chất lượng cao giấy lại có màu hơi ngả vàng (do chủ ý của nhà sản xuất, còn chất lượng giấy vẫn rất tốt) nhằm giảm độ tương phản với mực in màu đen, tránh hại mắt người đọc.
Ngoài ra, vấn đề giá sách khi bán ở nước ngoài cũng khác với trong nước, sách giá rẻ của họ cũng cao hơn giá sách chất lượng của ta. Mà giá cả phải tỷ lệ thuận với chất lượng, do đó họ đòi hỏi chất lượng sách của ta khi xuất khẩu phải rất cao.
- Theo ông, hiện nay đơn vị nào có khả năng làm được sách xuất khẩu?
- Nói thẳng là chưa có đơn vị nào tự mình đủ sức làm được những điều kể trên, nhất là về lâu về dài. Theo ước tính thì để làm sách xuất khẩu, từ dịch thuật đến hình thức sách, đơn vị thực hiện phải chấp nhận lỗ ít nhất 2-3 năm đầu tiên. Hiện nay, một số đơn vị làm sách thậm chí ngay cả tồn tại đã khó khăn, khá lắm thì cũng chỉ tạo được chỗ đứng trong nước, lao vào xuất khẩu sách nằm ngoài khả năng của mọi người. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ đơn vị làm sách nào đề nghị xuất khẩu sách với chúng tôi.
Theo tôi, xuất khẩu sách hiện nay là một vấn đề nằm ngoài tầm của những người làm sách trong nước. Ở đây đang rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Trong thời gian đầu, nhà nước đầu tư cho sách xuất khẩu, sau một thời gian khi sách Việt bắt đầu tạo được chỗ đứng, xuất khẩu sách bắt đầu có lời hay ít nhất là hòa vốn hoặc lỗ ít, thì các đơn vị kinh doanh có thể nhập cuộc. Hiện nay, cánh cửa xuất khẩu sách đã có nhưng lối đi lại chưa thể hiện thực hóa, tất cả đang trông chờ bàn tay của nhà nước để sách Việt có thể thực sự bay xa.
TƯỜNG VY