Bát nháo...
Theo TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Dược TPHCM, cho biết nhà trường vừa buộc thôi học Hoàng Ngọc Thảo (sinh viên năm 2 của trường) vì làm giả hồ sơ để đi học đại học hệ cử tuyển. Năm 2012, Thảo tốt nghiệp THPT ở Bình Định và học tại Trường Cao đẳng Y tế của tỉnh này nhưng bị thôi học vì nợ môn. Đến năm 2016, Thảo trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược TPHCM dạng cử tuyển với một hồ sơ khác có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Phước. Từ đơn tố cáo, cơ quan chức năng đã phát hiện Thảo không ở Bình Phước mà ở Bình Định. Hộ khẩu, học bạ, bằng tốt nghiệp THPT của Thảo đều làm giả, nhưng hồ sơ nhập học giả của Thảo lại được chính quyền Bình Phước xác nhận là thật. Trước đó, trường cũng buộc thôi học 8 sinh viên thuộc diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5-2017, nhà trường đã buộc thôi học 6 sinh viên diện cử tuyển của tỉnh này vì không có tên trong danh sách cử đi học.
Từ năm 2006 - 2015, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh cử 828 học sinh đi học diện cử tuyển. Trong đó, có 794 học sinh được xét thông qua Hội đồng cử tuyển tỉnh. Có 34 học sinh bổ sung, thay thế không do hội đồng sơ tuyển các huyện đề nghị, không thông qua Hội đồng cử tuyển tỉnh xét duyệt, mà do Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước trực tiếp tham mưu trình UBND tỉnh cử đi học. Mặt khác, Sở GD-ĐT phải dựa trên số lượng chỉ tiêu đăng ký cử tuyển trên nhu cầu các huyện; nhưng thực tế, có một số năm, Sở GD-ĐT lại giao tăng chỉ tiêu. Ví dụ, năm 2010, huyện Bù Gia Mập đăng ký 42 chỉ tiêu, Sở GD-ĐT lại giao 50 chỉ tiêu; năm 2011, huyện Bù Đăng đăng ký 41 chỉ tiêu, Sở GD-ĐT lại giao 51 chỉ tiêu…
Kiểm tra hồ sơ cử tuyển từ năm 2008 - 2015, hội đồng sơ tuyển xét duyệt của 7 huyện cử 420 học sinh nhưng Hội đồng cử tuyển của tỉnh (do Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước chủ trì) lại xét duyệt tham mưu UBND tỉnh cử 642 học sinh đi học. Trong đó, huyện Bù Đăng cử 114 học sinh, nhưng Hội đồng cử tuyển tỉnh lại tham mưu UBND tỉnh cử 173 học sinh. Thậm chí, có huyện Chơn Thành, không đăng ký chỉ tiêu cử học sinh đi học trong năm 2006 - 2015, nhưng không hiểu sao vẫn phát hiện có 4 học sinh đi học diện cử tuyển!
Việc cử tuyển đi học bát nháo đã dẫn tới hệ quả, trong tổng số 828 học sinh được cử đi học đại học, cao đẳng, thì có tới 232 học sinh không đi học, tự ý nghỉ học, học không đạt yêu cầu, hoặc bị kỷ luật buộc thôi học…
UBND tỉnh Bình Phước đang triển khai quyết định xử lý yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với các học sinh diện cử tuyển giai đoạn 2006 - 2015, tự ý nghỉ học, bị kỷ luật buộc thôi học. Trong giai đoạn này, số học sinh cử tuyển học CĐ - ĐH tự ý nghỉ học không có lý do chính đáng và bị kỷ luật buộc thôi học là 32 học sinh. Có 26 học sinh đã nhận kinh phí đào tạo của tỉnh với số tiền 741.570 triệu đồng, 6 học sinh chưa nhận kinh phí đào tạo.
Lãng phí tiền tỷ
Liên quan đến công tác cử tuyển, UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các sai phạm khác. Cụ thể, yêu cầu thu hồi kinh phí đối với 6 học sinh có hộ khẩu thường trú chưa đủ 5 năm, 9 học sinh người Kinh không đúng khu vực cử tuyển và 8 học sinh có học bạ THPT xếp loại học tập không đạt yêu cầu. UBND tỉnh cũng giao công an tỉnh xác minh, báo cáo kết quả đối với 96 học sinh có hộ khẩu thường trú ghi trong học bạ THPT không khớp với sổ hộ khẩu; sổ hộ khẩu từ vùng I, vùng II chuyển hộ khẩu sang vùng II, vùng III (ghi chú là đổi sổ, mập mờ)… Đồng thời, xác định trách nhiệm các công chức liên quan đến 13 học sinh không có tên trong danh sách nhưng vẫn được cử đi học và chi trả kinh phí đào tạo.
Một giáo viên công tác lâu năm trong ngành GD-ĐT nhận xét: “Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh nhưng để xảy ra hàng loạt những sai phạm kéo dài, gây bức xúc dư luận, gây tốn kém ngân sách, ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng”.