Cử tri TPHCM và nhiều tỉnh thành vẫn quan tâm vụ án Hồ Duy Hải

Vẫn có hàng chục ý kiến của cử tri TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương, Long An... quan tâm và đề nghị làm rõ việc xử lý vụ án Hồ Duy Hải, sớm thông tin cho cử tri và nhân dân biết quan điểm chính thức về vụ án...

Ngày mai 26-10, Quốc hội tiếp tục làm việc, cho ý kiến vào các báo cáo tư pháp. Gửi kiến nghị đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cử tri TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Đắk Lắk… bày tỏ quan tâm đến phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát vụ án này, sớm thông tin cho cử tri và nhân dân biết quan điểm chính thức về vụ án.

Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm, củng cố niềm tin của nhân dân đối với nền Tư pháp.

Phản hồi cho cử tri, Ủy ban Tư pháp nêu, ngày 8-5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải, quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM xử phạt tử hình Hồ Duy Hải về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản”.

Cử tri TPHCM và nhiều tỉnh thành vẫn quan tâm vụ án Hồ Duy Hải ảnh 1 Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên giám đốc thẩm vào đầu tháng 5-2020, y án tử hình Hồ Duy Hải. Ảnh: TTXVN

Ủy ban Tư pháp thấy rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã kéo dài qua nhiều năm, được cử tri và dư luận quan tâm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự đã báo cáo Quốc hội về vụ án này. Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giao cho Ủy ban Tư pháp nghiên cứu. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp Ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.

Trong phần trả lời kiến nghị cử tri này, Ủy ban Tư pháp chưa nêu rõ quan điểm của mình về vụ án.

Khái quát tình hình chung, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong những năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường giám sát đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp như: tiến hành chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp hằng năm đều tiến hành các phiên giải trình, thực hiện giám sát chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan; giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực tư pháp, trong đó tập trung giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm…

Qua giám sát, đã làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan tư pháp; kiến nghị thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Còn theo Toà án Nhân dân Tối cao, trong những năm qua, chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Riêng trong năm 2020 (từ ngày 1-10-2019 đến ngày 31-7-2020), các tòa án đã thụ lý 550.830 vụ việc, đã giải quyết được 408.908 vụ việc (đạt tỷ lệ 74,23%); so với cùng kỳ năm 2019, số vụ việc đã thụ lý tăng 11.271 vụ việc. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Tin cùng chuyên mục