Mặc dù có tới gần 70 đảng tham gia tranh cử nhưng cuộc bầu cử dự kiến là cuộc đua chủ yếu giữa hai đảng: Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha và Vì nước Thái (Pheu Thai), một nhánh của đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai) của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra. Thai Rak Thai hiện đã không còn tồn tại.
Trong bối cảnh lạm phát đang đè nặng lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Thái Lan, các vấn đề liên quan đến đời sống đã được các ứng viên nêu bật trong các cam kết tranh cử.
Hầu hết các đảng đều hứa hẹn chương trình phúc lợi, như tăng lương tối thiểu, trả lương hưu, hoãn nợ và đảm bảo giá cả nông sản. Pheu Thai cam kết sẽ trả 10.000 baht (293 USD) thông qua ví điện tử cho mỗi công dân từ 16 tuổi trở lên. Các đảng cũng cam kết việc viết lại Hiến pháp ban hành năm 2017.
Cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Hat Yai. Ảnh: CNA |
Năm nay, hơn 6.000 ứng viên sẽ tranh cử 500 ghế trong Hạ viện của Quốc hội Thái Lan, gồm 400 ghế khu vực bầu cử và 100 ghế trong danh sách đảng. Mỗi cử tri sẽ nhận được 2 lá phiếu, 1 phiếu để bầu cho ứng viên tranh cử ở khu vực địa phương và phiếu còn lại để chọn chính đảng ở cấp quốc gia. 400 ghế bầu cử sẽ được trao cho các ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất ở mỗi quận.
Trong khi đó, 100 ghế trong danh sách đảng sẽ được phân bổ tương ứng cho các đảng chính trị dựa trên tỉ lệ phiếu bầu trên toàn quốc. Một đảng hoặc nhóm các đảng cần giành được hoặc tập hợp được ít nhất 251 trong số 500 ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ.
Trước đó, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) ước tính tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể đạt 85%. Theo Phó Tổng Thư ký EC Suranee Pontawee, cơ quan này dự kiến công bố kết quả sơ bộ vào 22 giờ cùng ngày.