Buổi tiếp xúc cử tri gồm các ĐB: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Cùng tiếp xúc cử tri có các ĐB HĐND TPHCM gồm: Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề cập nhiều vấn đề như công tác phòng chống tham nhũng; tăng lương cơ sở kéo theo giá cả tăng lên; điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. Cử tri cũng phản ánh việc tăng lương nhưng không tăng mức giảm trừ gia cảnh…
Trao đổi với cử tri, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết, thời gian qua, dư luận xã hội và cử tri các nơi phản ánh một số bất cập về Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2027.
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc này nhằm giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế từ tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, một số bất cập như cử tri phản ánh liên quan đến khoảng cách giữa các bậc chịu thuế, chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế hiện vẫn chưa được giải quyết.
ĐB Đỗ Đức Hiển chia sẻ, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế hiện nay không phù hợp. Những chi phí hợp lý lẽ ra phải được trừ khi tính thuế, nhưng chưa được quy định. Ngoài ra, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng quy định khi chỉ số tiêu dùng và mức độ biến động giá cả (CPI) tăng trên 20% thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Hiện nay, trung bình mỗi năm CPI tăng 3-4%. Nếu theo quy định thì phải đợi khoảng 5 năm mới giảm trừ gia cảnh. Đây cũng là điểm cần đánh giá để sát với thực tế hơn, trong đó bao gồm cả tác động của việc tăng lương mới đây.
ĐB Đỗ Đức Hiển thông tin, những bất cập này đã được ĐBQH phản ánh tại nghị trường Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. ĐBQH kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội lưu ý đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Đồng thời, cân nhắc thận trọng, xác định lộ trình áp dụng hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và nguyện vọng của cử tri.