Sáng 20-10, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 10 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại phiên khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Từ sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Cử tri bức xúc vì "có dấu hiệu lợi ích nhóm" trong giá sách giáo khoa
Báo cáo cử tri nêu rõ về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân, theo đó, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong khi nhiều quốc gia kinh tế tăng trưởng âm, chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm.
Hiện, cử tri và nhân dân vẫn lo lắng trước tình trạng nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, tiềm ẩn và đe dọa nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, vận tải; một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp.
Ngành công nghiệp mặc dù đã được đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng còn rất khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; hoạt động thương mại và dịch vụ giảm; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp; các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn.
Về vấn đề văn hóa và giáo dục, đáng chú ý, cử tri và nhân dân cũng bức xúc vì giá sách giáo khoa (SGK) tăng cao so với năm học trước, "có dấu hiệu lợi ích nhóm"; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng SGK trong các nhà trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cử tri cho rằng cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng SGK trong nhà trường.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn.
Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, việc công khai giá trang, thiết bị y tế. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi".
Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, điển hình như vụ việc vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Trước diễn biến khí hậu ngày càng khó lường và cực đoan, tình trạng sạt lở bờ sông, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân, cử tri và nhân dân lo lắng về vấn đề bảo đảm an toàn hồ, đập, đê chắn sóng ở một số địa phương, mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Về xây dựng Đảng và Nhà nước, cử tri và nhân dân rất quan tâm theo dõi quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp và các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Cử tri cũng cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý; việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực.
5 kiến nghị của mặt trận
Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác. Tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án lớn, đồng thời quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi, giám sát việc giải quyết các vụ án lớn, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm; rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật để khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài; tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm việc công khai các kết luận thanh tra. Các cơ quan tư pháp cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Thứ năm, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Còn 99 kiến nghị cử tri vẫn chưa được trả lời Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày trong khuôn khổ phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 20-10. Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình Theo Báo cáo, thông qua 721 cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 9 của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong đó có 699 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ (chiếm 97%) và 22 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực (chiếm 3%), đã tiếp nhận và tổng hợp được 2.390 kiến nghị của cử tri (KNCT). Trong đó, có 69 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,9%); 2.265 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành (chiếm 94,8%); 39 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 1,6%); 17 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,7%). Nội dung KNCT liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm là Tài nguyên, môi trường (242 KNCT), Lao động, Thương binh và Xã hội (205 KNCT), Nông nghiệp, nông thôn (190 KNCT), Giao thông, Vận tải (171 KNCT), an ninh - trật tự (112 KNCT), Y tế (109 KNCT), Giáo dục, đào tạo (103 KNCT)... Đến nay, có 2.291/2.390 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 95,86%. Toàn bộ kiến nghị được gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đều đã được giải quyết, trả lời. Chính phủ, các Bộ, ngành đã tiếp nhận 2.265 kiến nghị, đến nay, đã xem xét, giải quyết, trả lời 2.166 kiến nghị (chiếm 95,63%). Còn 99 kiến nghị chưa được trả lời (chiếm 4,37%). Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, một số bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn KNCT, được nhiều Đoàn ĐBQH đánh giá cao như: Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Y tế , Bộ Giao thông Vận tải , Bộ Nội vụ... Một số nội dung trả lời KNCT của các Bộ, ngành cũng được các Đoàn ĐBQH đánh giá trả lời thẳng thắn, rõ ràng, cung cấp đầy đủ thông tin, đáp ứng nguyện vọng của cử tri như: Trả lời của Bộ Quốc phòng về việc bàn giao một số diện tích đất rừng thuộc Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý để giao cho các hộ dân trên địa bàn phát triển sản xuất; Trả lời của Bộ GTVT về việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nâng cấp tuyến đường Quản Lộ Phụng Hiệp đoạn Cần Thơ đi tỉnh Cà Mau; Trả lời của Bộ Xây dựng về việc đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BXD ngày 20/7/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng... Tuy nhiên, ông Dương Thanh Bình thẳng thắn nêu rõ, chất lượng tổng hợp, xử lý KNCT của các Đoàn ĐBQH mặc dù đã được nâng lên rõ rệt nhưng vẫn còn một số bất cập như: có trường hợp tổng hợp kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành; kiến nghị chung chung không rõ nội dung; kiến nghị đã được giải quyết, trả lời từ các kỳ họp trước... vẫn được tổng hợp để gửi đến đề nghị các Bộ, ngành giải quyết, trả lời... Về phía Chính phủ, Bộ, ngành, một số Bộ, ngành chưa giải quyết, trả lời KNCT đúng thời hạn (đến nay, vẫn còn 99 KNCT gửi đến kỳ họp thứ 9 chưa được trả lời). Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản trả lời chưa rõ nội dung cử tri kiến nghị. Cử tri tỉnh Thái Bình cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là tập huấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu, cấp chứng chỉ và kiểm tra, đánh giá tay nghề cho người học. Cử tri đề nghị Bộ LĐTB&XH chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Trả lời cử tri, Bộ LĐTB&XH lại chỉ nêu các kết quả đạt được sau 10 năm triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn, các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng chủ yếu là các giải pháp triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Việc đào tạo nghề chuyên sâu như kiến nghị của cử tri lại chưa được Bộ LĐTB&XH quan tâm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kịp thời, trong khi hiện nay, việc nâng cao tay nghề cho người lao động là một vấn đề hết sức quan trọng, cần kíp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tạo cơ sở tiếp cận việc làm cho người lao động… “KNCT chưa được nhanh chóng giải quyết do còn có sự không thống nhất về trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước”, Trưởng Ban Dân nguyện lưu ý. Chẳng hạn, cử tri tỉnh Quảng Nam phản ánh về việc hiện nay loại xe sơmi rơ moóc có cụm trục bốn được chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng do chưa có hướng dẫn giới hạn tải trọng trục xe tham gia giao thông đối với loại xe này nên gặp khó khăn khi đề nghị được cấp giấy phép lưu hành xe đặc biệt. “Việc trả lời cử tri là không rõ ràng, lòng vòng về trách nhiệm giữa Bộ GTVT với Sở GTVT, nên KNCT chưa được giải quyết”, ông Dương Thanh Bình vắn tắt. Một tồn tại khác là một số Bộ, ngành mặc dù chậm trình ban hành hoặc ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền nhưng khi trả lời cử tri vẫn không có lộ trình giải quyết cụ thể. Như vấn đề phát triển và quản lý chợ đã được cử tri kiến nghị từ kỳ họp thứ 5, sau gần 3 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và phát triển chợ vẫn chỉ là đang rà soát xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mà vẫn chưa có lộ trình cụ thể để trình Chính phủ ban hành… Trong số nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ, đáng lưu ý, Ban Dân nguyện đề nghị chỉ đạo rà soát, sửa đổi các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 114 của Luật Đất đai về cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể; kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu báo cáo đề xuất Chính phủ khẩn trương xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý chợ; Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, giải quyết, trả lời KNCT về việc đào tạo nghề chuyên sâu cho lao động nông thôn; Bộ GTVT trả lời rõ với cử tri về việc ban hành những quy định, hướng dẫn sau khi các quy hoạch dịch vụ, sản phẩm của ngành GTVT hết hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch. Đối với Bộ GD&ĐT, đề nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định về chế độ khen thưởng, đánh giá, phân loại học sinh đảm bảo tính thống nhất, phù hợp để quy định được thực hiện trên thực tế. |