Sáng 26-6, các đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị số 3 gồm các đồng chí: Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; Lê Thanh Phong, Thành ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM; Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tổ đại biểu Quốc hội số 3 tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11. Ảnh: THẢO LÊ |
Tại hội nghị tiếp xúc, cử tri 3 quận đã bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo các cử tri, nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý, động lực để TPHCM phát triển nhanh, bền vững, để TPHCM vì cả nước và cả nước vì TPHCM.
Bên cạnh đó, các cử tri cũng nêu ý kiến liên quan đến các vấn đề như: bạo lực học đường, Luật Đất đai sửa đổi, lừa đảo trên không gian mạng, văn hóa phẩm đồi trị, chuyển đổi số…
Công khai kết quả thanh tra ngành điện
Trong đó, cử tri Nguyễn Văn Bình (phường 15, quận 11) đã lên án mạnh mẽ vụ khủng bố tại Đắk Lắk đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm khắc kẻ chủ mưu.
Vừa qua, Quốc hội cũng có bàn luận về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo cử tri Nguyễn Văn Bình, cần bố trí cán bộ thật sự có tâm, có tầm, hiểu được tập quán, phong tục của người đồng bào tại địa bàn quản lý. Có như vậy mới có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng kịp thời cho bà con.
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: THẢO LÊ |
Cũng tại hội nghị, cử tri Trương Hồng Sơn (phường 16, quận 8) đề nghị sớm công bố kết quả thanh tra ngành điện lực. Cử tri cũng cho rằng, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện lớn nhưng giá điện tăng gây khó khăn cho đời sống bà con, cử tri đề nghị có chính sách bình ổn giá điện.
Trả lời kiến nghị cử tri, ĐB Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết, tổ đại biểu sẽ tiếp thu ý kiến của các cử tri để truyền tải đến các cấp ngành xem xét xử lý.
Liên quan đến công tác chuyển đổi số, ĐB Lê Minh Trí cho rằng đây là xu hướng phát triển tất yếu nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia. Thời gian qua, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng
Cũng theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng để giữ vững lòng tin của nhân dân.
Tuy nhiên, theo ĐB Lê Minh Trí, tội phạm tham nhũng là những tội phạm “ẩn”. Khi không quyết liệt thì xử lý không được nhiều, người dân tưởng là không có đến khi làm quyết liệt, hàng loạt vụ án được đưa ra ánh sáng thì người dân lại thấy nhiều.
“Số cũ có sai phạm, bây giờ điều tra xử lý. Như thế sẽ răn đe được số mới. Tuy nhiên vẫn sẽ còn một số thành phần lợi dụng sơ hở của pháp lý để trục lợi thì phải tiếp tục đưa ra xử lý. Người dân không nên quá xót ruột về số lượng vụ án, số tội phạm tham nhũng. Có thể năm trước chúng ta đưa ra 10 vụ, năm nay 12 vụ không có nghĩa là tội phạm tham nhũng tăng mà là các vụ việc trước đó chưa làm thì đem ra làm. Vấn đề ở đây là Đảng và Nhà nước ta đang rất quyết tâm và đang làm rất hiệu quả để đảm bảo tính công bằng xã hội”, ĐB Lê Minh Trí nói.
ĐB Lê Minh Trí phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THẢO LÊ |
Về vấn đề tội phạm công nghệ cao, ĐB Lê Minh Trí cho biết hiện nước ta đã có Luật An ninh mạng và đang cho ý kiến về Luật Viễn thông sửa đổi. Các cơ quan nhà nước thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, tuy nhiên vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của cử tri.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, ĐB Lê Minh Trí cho rằng hiện nay đời sống xã hội gần như được chuyển lên không gian mạng, nên ngày càng phát sinh các loại hình tội phạm trên mạng.
Trước tiên, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời ngăn chặn các hành vi xấu độc trên không gian mạng. Song song với đó, các cơ quan chức năng phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo cũng như ứng xử của người dân trên không gian mạng. Người dân phải phân biệt được hành vi nào làm được và không làm được khi tham gia mạng xã hội. Đồng thời, cần tăng cường quản lý nhà nước, phát hiện, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm để răn đe.
Nói thêm về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ĐB Lê Minh Trí đề nghị người dân TPHCM suy ngẫm, hiến kế cùng hệ thống chính quyền TPHCM tổ chức các kế hoạch thực hiện có hiệu quả, làm sao khai thác tối đa lợi thế mà nghị quyết trao cho TPHCM để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.