>> Chính phủ sẽ có phương án xử lý các dự án ngàn tỷ đắp chiếu
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đã có nhiều phản hồi của các đại biểu Quốc hội.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Điều mà ĐBQH và cử tri rất cần được trả lời là trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?
Tôi hiểu và thông cảm với Bộ trưởng là có nhiều việc do nhiều bộ, ngành cùng phải phối hợp xem xét, giải quyết, chưa kết luận ngay được, nhưng nếu Bộ trưởng thẳng thắn trả lời rằng việc này đang được điều tra, xem xét và đưa ra lời hứa dứt khoát là khi có kết quả sẽ công khai minh bạch thì ĐBQH và cử tri mới yên lòng được.
Nhiều vấn đề không mới, dù có nhiều bộ thì vẫn phải có cơ chế hợp lý và hiệu quả; có đầu mối để đáp ứng. Như việc thủy điện xả lũ vừa rồi cho thấy quy trình có vấn đề, vận hành cũng có vấn đề; phải thay đổi cả quy trình và con người. Nhưng rõ ràng đã có sự lúng túng, bất cập trong quản lý nhà nước. Nói “nhiều bộ, ngành cùng có trách nhiệm” để chậm trễ trong xử lý những bất cập đó không phải là lý do chính đáng.
Nhiều nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân trong thời gian qua. Ai chịu trách nhiệm?
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Đã có một lượng vốn lớn bị mất
Phải nói thẳng là 5 dự án trọng điểm đã làm thất thoát một lượng vốn lớn, chứ không thể có cách nói nào khác, cũng không thể nói vòng, nói tránh rằng “tài sản vẫn còn đó”. Dù Bộ trưởng nói đang kiểm tra, thanh tra, có thể cả khởi tố, tôi hy vọng việc này phải được xử lý rốt ráo.
Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề vận hành các hồ chứa thủy điện, vì hậu quả của việc xả lũ – người mất đi, tài sản hoa màu bị cuốn trôi – là không có gì cứu được nữa. Bức xúc đó phải được giải quyết ngay, Bộ trưởng phải trả lời thẳng vào vấn đề, chứ không thể để kéo dài; chất vấn từ năm ngoái, năm nay vẫn thế.
Bộ trưởng đã thừa nhận quy trình xả lũ của Hố Hô là có vấn đề, vậy người vận hành phải bị xử lý trách nhiệm như thế nào, quy trình phải sửa như thế nào, vẫn không thấy Bộ trưởng nói rõ.
ĐB Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi): Thủy điện đang sản sinh ra dòng sông chết
Sau hơn 10 năm vận hành thủy điện An Khê-Kanak, những hệ lụy nó mang lại với người dân vùng hạ lưu khó mà nói hết được. Không chỉ lo mùa mưa thủy điện xả lũ. Mà mùa khô thì ngược lại, hạ lưu dòng sông thành dòng sông chết. Ở hạ du, sông không có nước, không có cá. Những thiếu sót trong khảo sát, thiết kế công trình gây tác động tiêu cực đến môi trường đã phản ánh từ rất lâu vẫn chưa có giải pháp căn cơ và khi làm các dự án khác phải tính toán kỹ lưỡng như thế nào? Tôi chưa thấy Bộ trưởng đề cập.
ANH PHƯƠNG ghi