*PHÓNG VIÊN: Thưa ông, trong số kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội kỳ này, đâu là vấn đề nổi cộm?
- Ông NGÔ SÁCH THỰC: Kỳ họp này cử tri và nhân dân quan tâm nhiều nội dung, bày tỏ băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền nông nghiệp chậm; năng suất lao động còn thấp, đầu ra tiêu thụ cho nông sản còn nhiều khó khăn.
Ở nhóm vấn đề này, cử tri cho rằng chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, lo về nguy cơ tụt hậu, khả năng cạnh tranh để thắng trên sân nhà. Cử tri đề nghị cần có giải pháp kiểm soát thị trường, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất cứ, hàng giả hàng lậu, nhất là tình trạng sử dụng hóa chất, chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe nhân dân.
Cử tri cho rằng đây là việc không mới, những giải pháp đã có rồi nhưng cần mạnh hơn để có hiệu quả. Có thể xử phạt, xử hình sự và các giải pháp khác để làm sao tình hình thực sự có chuyển biến, kiểm soát được thị trường.
Nhóm vấn đề thứ hai và cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm nhất là phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.
Cử tri đồng tình và phấn khởi trước sự vào cuộc mạnh mẽ của Trung ương trong PCTN, không có vùng cấm. Nhưng cử tri quan tâm đến việc làm sao tinh thần PCTN phải lan tỏa đến các cấp, không chỉ dừng ở TƯ. Cùng với đó là vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, thu hồi được tài sản tham nhũng, biện pháp để ngăn chặn tẩu tán tài sản trước khi thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh những nhóm vấn đề lớn đó, cử tri cũng rất quan tâm đến việc kiện toàn hệ thống chính trị, cải cách tiền lương, đổi mới giáo dục, y tế, bảo đảm... để bảo đảm chất lượng các dịch vụ công phải được tăng lên.
Cử tri cũng lo về tình trạng bạo lực trong nhà trường, bệnh viện, xâm hại trẻ em, việc làm cho sinh viên, trục lợi chính sách... và yêu cầu cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để làm chuyển biến tình hình.
* Thưa ông, nhiều cử tri cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TƯ, Ủy ban Kiểm tra TƯ; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét. Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ chuyển tải ý kiến này như thế nào đến Quốc hội?
- Kỳ họp này, Mặt trận tiếp tục phản ánh ý kiến của cử tri đến với Quốc hội về PCTN. Đặc biệt, lần này nhiều cử tri hiến kế về giải pháp PCTN. Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc làm sao để ngăn ngừa tẩu tán tài sản tham nhũng, xử lý thu hồi, biện pháp kê khai tài sản, xử lý tài sản có nguồn gốc không minh bạch như thế nào...
Trên cơ sở ý kiến của cử tri, Mặt trận sẽ chuyển tải trọn vẹn đến Quốc hội, làm sao để hoàn thiện thể chế về PCTN, nhất là khi chúng ta sửa luật PTCN.
Với Luật Tố cáo thì hình thức tố cáo của người dân phải mở rộng hơn, đặc biệt phải bảo vệ được người tham gia PCTN và lãng phí.
Mặt trận cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả để PCTN, lãng phí, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực thi trách nhiệm.
* Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã rất quyết liệt trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương đến nay chưa được xử lý triệt để. Nhân dân rất mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc rà soát cán bộ, xử lý những trường hợp sai phạm cũng như công khai để nhân dân biết và giám sát. Tới đây Mặt trận sẽ vào cuộc giám sát vấn đề này ra sao?
- Qua theo dõi, Mặt trận nhận thấy Đảng, Chính phủ đang rà soát rất quyết liệt về công tác cán bộ. Mặt trận sẽ tiếp tục có giám sát để thúc đẩy thực hiện việc này một cách nghiêm túc ở tất cả các cấp.
Chúng tôi đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm “nêu gương” để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
MTTQ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuyển tải ý kiến của cử tri cũng như giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những ý kiến nào của cử tri chưa được giải quyết sẽ được mặt trận theo đuổi, giám sát, đi đến cùng sự việc.