Hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) chuẩn bị cho đợt bỏ phiếu chính vào ngày 10-4 ghi rõ: “Vì tỏi tây có thể được coi là một hình thức biểu đạt chính trị, nên sẽ được yêu cầu để ở một vị trí thích hợp bên ngoài khu vực bỏ phiếu”.
Theo Cơ quan giám sát bầu cử Hàn Quốc, việc mang tỏi tây có thể ảnh hưởng đến quyết định của cử tri khác và cũng vi phạm nguyên tắc bỏ phiếu kín, vì loại rau này được coi là một hình thức phản đối các đảng hoặc ứng cử viên cụ thể. Trước đó, một số cử tri đã gửi câu hỏi tới NEC về việc liệu có thể mang tỏi tây tới các điểm bỏ phiếu để phản đối chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol hay không.
Tỏi tây đã trở thành chủ đề tranh luận sau nhận xét của Tổng thống Yoon Suk Yeol về giá mặt hàng này vào tháng trước. Trong chuyến thị sát một cửa hàng tạp hóa ở thủ đô Seoul ngày 18-3, ông Yoon cho rằng một bó tỏi tây có giá 875 won (0,65 USD) là hợp lý. Sau đó, người ta phát hiện ra tỏi tây được chào bán với mức giá thấp bất thường như một phần của chương trình khuyến mãi siêu giảm giá. Điều này gây chú ý khi giá tỏi tây trung bình ở mức khoảng 3.000 won, trong bối cảnh giá nông sản tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quyết định của NEC đã làm dấy lên sự chỉ trích từ các đảng đối lập, vốn đang sử dụng loại rau gia vị này để biểu đạt sự bất lực của Tổng thống Yoon Suk Yeol trong việc kiềm chế giá nông sản tăng vọt.
Tờ Korea Times dẫn nguồn tin từ Cơ quan giám sát bầu cử cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm trong hai ngày 5 và 6-4 trước cuộc bầu cử quốc hội vào tuần tới đã đạt mức kỷ lục 31,28%. Số liệu này đánh dấu lần đầu tiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cho cuộc tổng tuyển cử vượt quá 30%, kể từ khi Hàn Quốc áp dụng hệ thống này vào năm 2014. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 26,69%.