Báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Lã Thanh Tân cho biết, với tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tụy, sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá cao, tạo điều kiện để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thành trọng trách đã được Đảng, cử tri và nhân dân giao phó.
Đáng lưu ý, tại kỳ họp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho 4 địa phương, trong đó, Hải Phòng được áp dụng một số cơ chế về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri TP Hải Phòng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của các cấp, các ngành, nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn nhiều bề, nhưng đất nước vẫn giữ vững ổn định chính trị xã hội, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ được củng cố, nâng cao…
Cử tri Phạm Thành Văn, phường Đằng Lâm, nguyên Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả phòng, chống dịch bệnh, tạo tâm lý yên tâm, an toàn cho nhân dân; quan tâm củng cố hệ thống y tế ở cơ sở cả về trang thiết bị và nhân lực; quan tâm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô kiêm kiểm soát lạm phát, nhất là việc tăng giá nhiên liệu, vật tư thiết yếu: xăng dầu, điện, sắt, thép… để bảo đảm hiệu quả các gói hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiêu dùng, ổn định đời sống của các đối tượng chính sách xã hội…
Về Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, cử tri Phạm Thành Văn đề nghị Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện vì nghị quyết chỉ có thời hạn trong 5 năm, nhiều nội dung để thực hiện được phải do Chính phủ quy định và hướng dẫn thực hiện, nhất là nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của các địa phương được thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…) để quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại Hải Phòng hiệu quả hơn.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm triển khai xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do để báo cáo Bộ Chính trị quyết định, sớm trình Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị các bộ, ban, ngành quan tâm tạo điều kiện sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện giai đoạn 2 (đường sắt và cầu dân sinh Tân Vũ - Lạch Huyện 2)", cử tri Phạm Thành Văn nói.
Cử tri Đinh Thành Công, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực quan tâm, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kiến thức, nhất là các đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu. Đồng thời tích cực tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, xác định đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội...
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng trao đổi với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn cử tri đã theo dõi sát sao hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng. “Đây vừa là “phần thưởng” nhưng đồng thời cũng là sự nhắc nhở, gửi gắm kỳ vọng của cử tri để Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp tục đổi mới, hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của mình”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cử tri quận Hải An đã có nhiều ý kiến sâu, rộng, phong phú đóng góp và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành vàTP Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội cho biết, với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 161/2021/QH14 (về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước) và đang triển khai quyết liệt với hơn 120 đề án cụ thể. Trong đó, có những đề án chưa được chính thức thông qua nhưng quá trình nghiên cứu cho thấy vấn đề nào có thể áp dụng được thì UBTVQH đã áp dụng hoặc xin ý kiến Quốc hội thực hiện ngay.
“Quốc hội cố gắng rút ngắn thời gian làm việc nhưng mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng và hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhất trí với nhiều kiến nghị của cử tri về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt theo yêu cầu của Trung ương là “liều lượng phải hợp lý, thời điểm phù hợp trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát”.
Về kiến nghị bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần đầu tiên tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Nghị quyết chung kỳ họp thứ 2 cũng đã đề cập rất kỹ, rất sâu về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, qua kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ đôn đốc việc ban hành nghị định hướng dẫn hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Người có công (đã có hiệu lực từ tháng 7-2021).
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với kiến nghị của cử tri về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động bởi đây là vấn đề quan trọng nổi lên qua đợt dịch Covid-19 vừa qua. Trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp…
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi, nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế nhà ở xã hội cho người lao động. Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện tình trạng biệt thự, nhà ở, khu chung cư bỏ không…
Về cơ chế đặc thù của TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (cùng với 3 địa phương khác là Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế - PV) để Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, đồng thời, cũng tạo tiền đề để tổng kết, nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.