Cải cách giáo dục gặp nhiều khó khăn, lúng túng
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, qua tập hợp cho thấy, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng rất nhiều vấn đề. Đơn cử như cử tri và nhân dân quan tâm lo ngại tình trạng nhiều cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc, nhất là trong ngành y tế, giáo dục và tập trung ở các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác khám chữa bệnh cho nhân dân và thiếu giáo viên dạy học cho sinh viên, học sinh. Việc các cơ sở khám chữa bệnh công lập ở cả tuyến trung ương và địa phương thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh; các vướng mắc, bất cập trong cơ chế mua sắm, đấu thầu, phân bổ nguồn lực, cơ chế tự chủ toàn diện cho các bệnh viện trung ương chưa được tháo gỡ dứt điểm… cũng là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm.
Mặt khác, cử tri bày tỏ bức xúc về một số dự án đầu tư công, công trình phúc lợi được đầu tư với số vốn rất lớn, triển khai trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng gây lãng phí vốn đầu tư công. Băn khoăn về việc có nhiều bộ sách giáo khoa, giá cả còn cao; chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở một cơ quan tổ chức còn thấp. Cử tri và nhân dân còn chưa đồng thuận với việc tăng học phí trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 thu nhập của người dân còn hạn chế và tiền lương của CBCC, viên chức chưa được điều chỉnh, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người có thu nhập thấp. Tuy ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; song, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng lo lắng trước các vụ việc mất an toàn trong phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, thiên tai bão lũ, dịch bệnh và các tình huống bất thường xảy ra thời gian qua làm chết nhiều người. Trong khi đó, các biện pháp, phương tiện, nguồn lực để thực hiện cứu nạn, cứu hộ, phòng chống tai nạn rủi ro chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh hiện nay, cử tri và nhân dân còn quan tâm, lo lắng hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, giá cả nguyên vật liệu, vật tư sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Cử tri và nhân dân còn băn khoăn về một số thủ tục hành chính, đề nghị, kiến nghị của người dân còn chậm trễ, có nơi còn đùn đẩy né tránh, giải quyết không dứt điểm, nhất là giao dịch của doanh nghiệp và người dân liên quan đến đất đai, xây dựng ở cơ sở…
Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng thời gian qua.
Kiến nghị điều chỉnh chính sách tiền lương
Ông Lê Tiến Châu cho biết, trên cơ sở ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các nội dung cụ thể. Trước hết là kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của CBCC, viên chức, người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp đến là kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sớm sửa đổi bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, cơ chế tài chính tự chủ trong y tế, giáo dục để sớm giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Đề nghị nghiên cứu đưa giá sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước quản lý giá.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tham mưu để Đảng, Nhà nước chỉ đạo sơ kết bước đầu Nghị quyết 29 hội nghị trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 88/QH 13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, cần thiết có thể điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, nhất là những vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa, xã hội hóa, tự chủ đại học phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Đáng chú ý, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản nhà nước; khẩn trương nghiên cứu thể chế hóa kịp thời Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có hình thức phù hợp để biểu dương, động viên khen thưởng những tấm gương tiêu biểu dám dấn thân vào nơi khó khăn, đương đầu với những việc khó vì lợi ích chung, khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước của các lực lượng trong xã hội.