Sáng 22-6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách ĐBQH TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TPHCM cùng các ĐB HĐND TP đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức.
Cử tri Nguyễn Văn Thưởng (phường Hiệp Bình Chánh) đánh giá cao việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Đặc khu. Song, các dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng đã không được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chưa hiệu quả.
“Đây là khiếm khuyết lớn”, cử tri Thưởng nhận xét và cho rằng, điều này khiến một bộ phận người dân không đồng tình và một số đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến tập trung đông người và đập phá, gây tổn thất tài sản và hoang mang trong dư luận.
Liên quan đến Luật An ninh mạng, đa số cử tri bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội cho thông qua luật này. Cử tri Nguyễn Đức (phường Bình Thọ) đánh giá, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là rất cần thiết. Thế nhưng, một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để kích động, xúi giục người dân xuống đường tuần hành gây mất an ninh trật tự thì phải xử lý nghiêm.
Cử tri Đỗ Hồng Thái (phường Linh Đông) cũng phản đối việc tụ tập đông người, gây rối, đập phá tài sản.
Cử tri Nguyễn Văn Thưởng nhận xét dự án Luật Đặc khu hiện nay vẫn khiến nhiều người băn khoăn, trong đó có cả cán bộ lão thành cách mạng và trí thức chân chính. Chẳng hạn, trong luật quá cởi mở về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 7 dự thảo luật), về quản lý lao động người nước ngoài (Điều 46), điều kiện nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn (Điều 54 dự thảo luật)… nhưng lại không có những điều khoản chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc làm sai trái nên kẻ xấu có thể lợi dụng, gây phương hại đến lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Vì vậy, cử tri Nguyễn Văn Thưởng đề nghị sắp tới cơ quan chức năng cần đưa dự thảo Luật Đặc khu ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội.
Cử tri Trần Thị Rồi (phường Hiệp Bình Chánh) cũng phân tích, Luật Đặc khu là luật mới, khó nên cần phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó cần tham khảo các quốc gia đã thực hiện, cũng như phải lường trước những tập đoàn của các quốc gia thuê đất, nếu triển khai các đặc khu.
Đồng quan điểm, cử tri Trần Việt Trung, phường Trường Thọ cho rằng: Với dự thảo Luật Đặc khu đưa ra 3 địa điểm triển khai là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là những vị trí cho thuê đất như dự thảo đưa ra có vị trí cực kỳ nhạy cảm, thời gian cho thuê, nếu chỉ 50 năm cũng là quá dài. Vì vậy, cử tri Trung đề nghị không nên áp dụng mô hình đặc khu kiểu cũ của các nước cho nước ta nữa.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Đức (phường Bình Thọ) đề nghị dừng không thực hiện 3 đặc khu kinh tế. Bởi vì, hiện nay ở nước ta có 3 vấn đề chưa cho phép để làm các đặc khu, đó là: vấn đề an ninh xã hội; chưa đủ trình độ để xây dựng và quản lý các đặc khu; các nhà đầu tư trong nước khó cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thực hiện dự án.
Thay mặt tổ ĐBQH và HĐND TP, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tiếp thu các ý kiến của cử tri nêu ra. Đối với các ý kiến về những vụ việc cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu các sở - ngành liên quan, UBND quận Thủ Đức xem xét giải quyết.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chia sẻ, Quốc hội đã dừng lại, chưa thông qua dự án Luật Đặc khu do còn một số nội dung ý kiến đại biểu còn khác nhau, trong đó có cả các ĐBQH. Vì vậy, việc tạm dừng là để có thêm thời gian để lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm giúp các ĐBQH có chính kiến trong việc ấn nút thông qua luật này.
Song, về Luật An ninh mạng, các ĐB nhận thấy rằng phải có luật này để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Về góp ý của cử tri là công tác tuyên truyền chậm, không đồng bộ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn nhìn nhận, Quốc hội, Thành ủy TP cũng nhận thấy trách nhiệm công tác tuyên truyền chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chứ không phải không tuyên truyền. Sau khi sự cố một số đối tượng tập trung đông người tuần hành gây rối, TP đã rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục ngay, trong đó đã thông tin đầy đủ, rõ ràng và đầy đủ hơn đối với người dân TP.
Ngày 22-6, các đại biểu HĐND TPHCM Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP; Trần Xuân Điền, Chủ tịch UBND quận 10; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP, đã tiếp xúc với cử tri quận 10 trước kỳ họp HĐND TP thứ 9. Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đinh Văn Huệ đề nghị tại kỳ họp tới, HĐND TP yêu cầu các sở, ngành báo cáo kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá của TP cũng như những thuận lợi, khó khăn để cử tri tiếp tục đóng góp ý kiến, như xác định trách nhiệm của mình góp phần thực hiện những chương trình này. Các cử tri cũng góp ý rằng việc tuyên truyền Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP chưa sâu; bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng...
Thay mặt tổ đại biểu HĐND TP, đồng chí Tất Thành Cang phát biểu tiếp thu những ý kiến góp ý của cử tri. Về các chương trình đột phá, đồng chí Tất Thành Cang cho biết tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP khóa X sắp tới sẽ bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp để việc thực hiện hiệu quả hơn. Đồng chí cũng đề nghị quận 10 tiếp tục phối hợp tổ chức những buổi tuyên truyền Nghị quyết 54 của Quốc hội đến cử tri; qua đó người dân phát huy vai trò giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Cùng ngày, các ĐBQH Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1; Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP; Luật sư Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TP có buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Bình
QUANG HUY - ÁI CHÂN