Các ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 báo cáo nội dung chương trình kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Mở đầu, trong phần báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV do ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2 trình bày thì nội dung hầu hết đề cập đến một số dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, về kho hóa chất nằm trong Khu Công nghiệp Cát Lái… Nếu có liên quan đến dự án KĐT mới Thủ Thiêm cũng chỉ là quá trình thi công gây ra ảnh hưởng đến người dân về vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường.
Liên quan trực tiếp đến dự án KĐT mới Thủ Thiêm, ông Khiết chỉ nêu ngắn gọn: “Các ý kiến liên quan đến việc thực hiện dự án KĐT mới Thủ Thiêm, UBND quận đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của UBND TP. Ngoài ra, UBND quận đã ngưng thực hiện việc cưỡng chế từ năm 2006 đến nay”.
Trước khi bước vào phần cử tri phát biểu ý kiến, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 2, cho biết đã nhận được số lượng phiếu rất nhiều, với hơn 50 phiếu đăng ký phát biểu ý kiến.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết mỗi cử tri tham gia buổi tiếp xúc này đều chuẩn bị hồ sơ, tài liệu khá kỹ. Trong số này có rất nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Thủ Thiêm.
Theo kế hoạch, buổi tiếp xúc bắt đầu từ 14 giờ nhưng khoảng 13 giờ, hàng chục cử tri đã có mặt tại hội trường. Đến khi tổ ĐBQH có mặt, người dân đã tập trung đối thoại, nêu ý kiến. Số lượng cử tri có mặt càng lúc càng đông và hội trường đã mau chóng chật kín chỗ. Các dãy ghế được kê tạm giữa các lối đi phục vụ cử tri song vẫn không đủ và nhiều cử tri buộc phải đứng.
Nhiều cử tri cho biết, thời gian qua họ đã gửi đơn khiếu nại tập trung vào các vấn đề chính là xác định ranh của dự án và chính sách bồi thường, tái định cư. Thế nhưng ròng rã suốt nhiều năm qua, người dân không được giải quyết thỏa đáng.
Mở đầu, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, trình bày báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đối với nhóm nội dung liên quan đến việc thu hồi đất tại dự án KĐT mới Thủ Thiêm, ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, UBND quận đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của UBND TP. Ngoài ra, UBND quận đã ngưng thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án KĐT mới Thủ Thiêm từ năm 2006 đến nay.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết nhận xét đơn giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Thủ Thiêm quá thấp nhưng “qua tay” công ty bất động sản thì cao ngút. Theo đó, bà Tuyết cho biết bà liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản để hỏi giá dự án nhà ở Thủ Thiêm thì được báo giá 350 triệu đồng/m2 nhưng cũng đã bán hết. “Nhà nước bồi thường cho chúng tôi 18 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ họ bán giá như vậy là ép dân quá”, cử tri Tuyết nhận xét và đề nghị cần phải xem xét lại đơn giá bồi thường. Cụ thể, nếu chủ đầu tư bán giá 350 triệu/m2 thì ít ra phải bồi thường cho người dân 50 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) cùng nhiều cử tri khác khẳng định nhà, đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân khiếu nại khắp nơi. Trước thông tin “bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 của KĐT mới Thủ Thiêm bị mất càng khiến người dân bức xúc”, đặt ra nhiều nghi vấn liệu có sự khuất tất. Cử tri Đoàn Văn Phương còn đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ nội dung mất bản đồ 1/.5000.
Ông cũng dẫn lại lời nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh rằng “quy hoạch của KĐT mới Thủ Thiêm trước đây đã bị phá nát, bị biến dạng thành phân lô bán nền… Từ đó đặt vấn đề vì sao khiếu kiện của người dân về việc thu hồi, bồi thường ở dự án KĐT mới Thủ Thiêm đã kéo dài dai dẳng nhiều năm qua? “Tôi cho rằng trong vụ việc này có lợi ích nhóm”, cử tri Đoàn Văn Phương nêu nghi vấn và đề nghị chính quyền TPHCM cần sớm xác định rõ vấn đề để trả lời rõ với người dân.
Đề cập đến việc UBND TP có quyết định điều chỉnh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm vào năm 2005, cử tri Đặng Thị Bích Ngọc nêu thắc mắc việc điều chỉnh này có đúng quy định? Theo bà Ngọc, Quyết định 367 (năm 1996) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, quy mô 930 ha, gồm KĐT mới rộng 770 ha và khu tái định cư rộng 160 ha. Ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm ban đầu không liên quan đến khu dân cư phường Bình An và Bình Khánh.
Tuy nhiên, sau này UBND TP ban hành quyết định thu hồi nhà đất của bà. Cũng chính tại khu đất này, cơ quan chức năng lại phê duyệt dự án khu dân cư phía Bắc. Như vậy, việc đẩy người dân đi và lập khu dự án dân cư phía Bắc có được báo cáo Thủ tướng không?
Trong khi đó, cử tri Đặng Văn Truyền (phường Bình An) cũng khẳng định, ông cùng một số người dân ở phường Bình An và Bình Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm (theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng bị cưỡng chế thu hồi đất. Ông Truyền là hộ dân cuối cùng ở khu vực bị cưỡng chế, tháo dỡ nhà vào năm 2015. “Tôi chỉ muốn nói lên nguyện vọng của những người dân. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thì phải giải quyết nhanh cho người dân ổn định cuộc sống”, cử tri Đặng Văn Truyền đề nghị.
Cùng đề cập đến nội dung này, cử tri Nguyễn Phi Thường (phường An Khánh), nhấn mạnh pháp lý của dự án KĐT mới Thủ Thiêm chỉ có thể là 1, không thể có hai. Vì vậy, ông đề nghị nếu chính quyền thấy sai thì cần ngồi lại với dân, cùng giải quyết. Theo đó, nơi nào đã có chủ đầu tư rồi thì bàn bạc thỏa thuận giá cả cho phù hợp. Nơi nào không thỏa thuận được thì phải trả lại đất cho dân.
“Chúng tôi không khó khăn gì với cán bộ cả nhưng cán bộ phải thấy được cái sai của mình”, cử tri Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh và lưu ý, nếu các đề nghị trên không được đáp ứng thì đề nghị Trung ương cử đoàn thanh tra toàn diện dự án KĐT mới Thủ Thiêm.
Nhiều cử tri khác cũng phản ánh, quyết định phê duyệt ban đầu của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP đều muốn người dân cố cựu được hưởng quyền lợi trước nhất. Nhưng thực tế, hiện nay chính những người dân cố cựu lại khổ cực như thế này làm sao hợp lẽ được.
Theo cử tri, Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ mang tính nhân văn khi phân rõ khu vực trung tâm đô thị và tái định cư (rộng 160 ha) gần nhau. Nó không như thực tế thực hiện sau đó là lấy thêm đất của dân ngoài ranh nhập vào khu trung tâm đô thị và phần đất tái định cư lại bố trí rải rác nhiều nơi.
“Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một lãnh đạo TP cho rằng đồng tiền đã làm biến đổi bản chất KĐT mới Thủ Thiêm”, cử tri Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) bày tỏ. Bà Mỹ cũng cho rằng chính quyền đã thu hồi đất của gia đình bà mà không có phương án bồi thường. Vì vậy, bà Mỹ đề nghị tổ ĐBQH cần phải kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết bồi thường cho người dân trong và ngoài ranh một cách thỏa đáng.
Buổi tiếp xúc cử tri vẫn đang diễn ra, nhiều cử tri đã đăng ký phát biểu vẫn đang chờ đến lượt mình…
Dự kiến ban đầu, buổi tiếp xúc cử tri sẽ kết thúc vào lúc 16 giờ 30. Song, do số lượng cử tri đăng ký phát biểu ý kiến cao kỷ lục (trên 50 cử tri đăng ký phát biểu) nên đến gần 20 giờ, các cử tri mới dừng phát biểu. Hầu hết các ý kiến của cử tri là tập trung vào dự án KĐT mới Thủ Thiêm. Một số cử tri, kể cả cử tri nam cũng không kìm được cảm xúc, bật khóc trong lúc phát biểu.
Trả lời ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, dự án KĐT mới Thủ Thiêm diễn ra quá lâu nên quận sẽ ghi nhận các ý kiến và có phản hồi cụ thể. "Có một số thông tin, chúng tôi cũng không thể trả lời được hôm nay", ông Nguyễn Phước Hưng phân trần và cho biết, các khiếu nại trong ranh - ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm thì UBND quận 2 không trả lời được mà phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của UBND TP.
Nội dung trả lời của ông Nguyễn Phước Hưng khiến nhiều người dân không kiềm được, đã có một số hành vi quá khích...
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm phải nhiều lần thuyết phục mới ổn định trật tự và tiếp thu, giải đáp các thắc mắc của cử tri.