Sáng 7-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 2 tiếp xúc trực tuyến cử tri quận 1, 3, Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Tham dự có các ĐB gồm: Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1; Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM.
Quản lý việc quyên góp từ thiện
Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp sau đợt dịch Covid-19; tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi; Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai…
Cử tri Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1 cho biết, trong thời gian vừa qua, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, rất nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động do một số công nhân về quê, cũng như người lao động mất việc làm. Hiện nay, công nhân mong muốn các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường để có công ăn việc làm. Đối với các doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” mong chính quyền bố trí trạm y tế lưu động để hỗ trợ kịp thời những trường hợp trong quá trình test định kỳ mắc Covid-19 có đầy đủ thuốc men và thăm khám sức khỏe.
Cử tri Trương Thị Minh Dung cũng cho hay, công nhân đề xuất cải cách các quy trình đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tiếp cận được chính sách, gói hỗ trợ của nhà nước một cách nhanh chóng, thuận lợi. Song song đó, nhà nước đa dạng hóa các hình thức trợ cấp cho các đối tượng xã hội, trong đó có công nhân ở các khu nhà trọ, khu lưu trú bị mất việc làm.
Mặt khác, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ dành cho công nhân. Bởi vì, đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để sắp tới các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại tạo điều kiện bố trí chỗ ở cho công nhân tránh ở những khu nhà trọ ẩm thấp dễ lây nhiễm dịch bệnh. Chủ doanh nghiệp mong muốn được chia sẻ chi phí test xét nghiệm, vì hiện nay chi phí rất cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.
Một vấn đề được cử tri đề cập tại buổi tiếp xúc là sự quản lý hoạt động thiện nguyện. Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Yến, phường 5, quận 3 cho rằng, trong thời gian qua, công tác chăm lo hỗ trợ người lao động, người khó khăn do ảnh hưởng dịch được các cấp chính quyền TPHCM triển khai kịp thời trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ việc quản lý công khai nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch, nhất là các nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để hạn chế những tiêu cực.
Đồng quan điểm, cử tri Phùng Khôi Hoàng Tuấn, phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, trong giai đoạn vừa qua, dư luận xã hội quan tâm việc các nghệ sĩ tổ chức quyên góp làm từ thiện tự phát. Ngay trong đợt dịch Covid-19 vẫn còn việc quyên góp vận động từ thiện mang tính tự phát trong cộng đồng nên phát sinh những vấn đề lộn xộn. Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội rà soát lại trong các luật hiện hành, những luật nào liên quan quản lý nghệ sĩ, quản lý việc làm từ thiện còn có thiếu sót, sơ hở để hoàn chỉnh.
Cụ thể, khi một người nào đó muốn đứng ra quyên góp từ thiện, phải xin phép rõ ràng và được sự đồng ý mới làm. Tiền quyên góp phải đưa vào tài khoản chung chứ không phải đưa vào tài khoản cá nhân. “Chúng ta cần rà soát lại và có những quy định mới siết chặt vấn đề này để tránh dư luận không hay như thời gian vừa qua”, cử tri Tuấn nói.
Kiến nghị sửa đổi quy định liên quan công tác thiện nguyện
Liên quan đến những bất cập về công tác thiện nguyện được cử tri đặt ra, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết, các hoạt động thiện nguyện hiện nay được thực hiện theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nghị định này đã được Chính phủ ban hành từ năm 2008 và có nhiều điểm cần xem xét lại trong thời điểm này. ĐB Đỗ Đức Hiển thông tin, thời gian tới, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để sửa đổi các quy định, nghị định liên quan đến công tác thiện nguyện cho phù hợp với thực tế.
Trao đổi tại buổi tiếp xúc, ĐB Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho hay, sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách trở lại trạng thái "bình thường mới" (sau ngày 30-9), các loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân do tỷ lệ người dân của TPHCM đủ điều kiện ra đường khá lớn, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Quang, các loại tội phạm đặc trưng của mùa dịch Covid-19 là tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp giật, lừa đảo, tín dụng đen… nên người dân phải hết sức cảnh giác. Riêng Công an TPHCM có kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và đưa các loại tội phạm này vào diện trọng điểm để có biện pháp xử lý. Phó giám đốc Công an TPHCM cũng lưu ý người dân hết sức cảnh giác với tội phạm liên quan đến ma túy.
Thay mặt Tổ ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Kim Yến ghi nhận ý kiến của cử tri để tổng hợp báo cáo gửi lãnh đạo TPHCM và Quốc hội. ĐB Trần Kim Yến cho biết, hiện nay, TPHCM đã qua 1 tuần thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, người dân rất phấn khởi dù trước mắt còn những khó khăn. Theo ĐB Trần Kim Yến, hiện nay TPHCM đang tăng cường vận động người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các trường hợp đủ điều kiện, cũng như có kế hoạch chuẩn bị để khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Về các chính sách tạo điều kiện cho người lao động làm việc, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường, Đoàn ĐBQH TPHCM đã có buổi tiếp xúc với đại diện các doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến đề xuất. Theo đó, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ đề xuất các cơ quan, đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh để từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế.
Liên quan việc người dân tự phát về quê sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách, ĐB Trần Kim Yến chia sẻ nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, việc người dân tự phát về quê đang gây khó khăn cho các tỉnh, thành khác. Bởi vì, nếu không chặt chẽ, cẩn thận thì vô tình đem dịch bệnh về cho các tỉnh, thành. Chính vì vậy, hiện nay TPHCM đã chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức và phường, xã, thị trấn vận động để người dân đăng ký với chính quyền địa phương nếu có nguyện vọng về quê. TPHCM sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức đưa người dân về quê một cách an toàn.