Cử tri Trần Thị Thanh Hiền, Trưởng Ban Nữ công Công ty giày Thiên Lộc (quận 12) phản ánh về 3 vấn đề: thủ tục đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phức tạp, tiền BHTN chuyển qua tài khoản nhưng NLĐ hàng tháng phải tới trình diện tại trung tâm dịch vụ việc làm, rất mất thời gian; tuổi nghỉ hưu tăng, hàng ngàn NLĐ không chờ được đã làm đơn nghỉ việc để rút tiền BHXH một lần; việc làm thủ tục nhập học đầu cấp cho con em NLĐ rất khó khăn và… tốn kém. Cử tri đề nghị Trung ương, TPHCM có giải pháp khắc phục các vấn đề trên. |
Ngày 24-4, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động năm 2022 với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động”.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Hội nghị còn có sự tham dự trực tiếp của 100 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề trên địa bàn thành phố. Ngoài ra có hơn 400 cử tri tham dự trực tuyến tại 4 điểm cầu.
Nhiều trăn trở việc mua được nhà ở xã hội
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri nêu các ý kiến quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội, các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, cử tri Phạm Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TPHCM đặt vấn đề, TPHCM có chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn. “Vậy TPHCM có giải pháp cụ thể gì để triển khai, đạt chỉ tiêu trên? Thời gian nào người lao động (NLĐ) có thể tiếp cận mua nhà theo chương trình phát triển nhà ở TPHCM?”, cử tri Phạm Thị Lan Anh hỏi.
Cử tri Phạm Thị Lan Anh phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng quan tâm nhà ở xã hội, cử tri Đặng Thị Tuyết Nhung, cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ Công an TPHCM phân tích, TPHCM chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, lao động; hơn 80% công nhân đến từ các tỉnh hầu hết phải thuê phòng trọ, nhà trọ. Trong khi đó, giá nhà đất đang quá cao, người lao động không thể mua được nhà ở.
Đặt câu hỏi về kế hoạch rà soát và tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội của TPHCM, cử tri cũng đề nghị chính quyền TPHCM có giải pháp kiểm soát giá nhà đất tăng cao, giá ảo, để đưa giá nhà đất về giá trị thực, phù hợp với túi tiền của người lao động, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận được nhà ở phù hợp.
Đại diện công nhân lao động của Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vin, cử tri Hà Thị Trang trăn trở, 2 năm qua, lương không tăng nhưng vật giá tăng liên tục từ 10-20%, rất khó để mua được nhà ở với đồng lương ít ỏi của công nhân.
Cử tri Hà Thị Trang phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cử tri kiến nghị TPHCM có chính sách giúp công nhân được mua nhà ở xã hội cũng như xây dựng các khu nhà cho công nhân thuê giá rẻ để công nhân giảm bớt gánh nặng, áp lực về nhà ở. Ngoài ra, cử tri đề nghị có giải pháp giữ trẻ ngoài giờ hành chính tại các trường mầm non công lập, xây dựng thêm nhiều nhà trẻ cho con công nhân.
Cử tri Đoàn Huỳnh Anh Vũ, Công đoàn Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đề nghị TPHCM có chính sách rõ ràng hơn, ưu tiên cho nữ cán bộ, công chức, NLĐ đơn thân nuôi con nhỏ mua nhà ở xã hội. Đồng thời, cần rà soát chặt chẽ hơn, không để tình trạng đã mua nhà ở xã hội nhưng lại không vào ở, nhà để không; trường hợp này cần thu hồi và chuyển cơ hội mua nhà cho người khác thực sự có nhu cầu.
Cử tri Đoàn Huỳnh Anh Vũ phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong khi đó, cử tri Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, hiện có 2 loại nhà ở xã hội: chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội hình thành trên cơ sở 20% diện tích sàn xây dựng của các dự án nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, 2 nguồn này vẫn không đáp ứng được nhu cầu và đa số thu nhập của NLĐ cũng không với tới được chuyện mua nhà ở xã hội.
Vì vậy, cử tri Đoàn Thị Minh Diệp đề nghị TPHCM tập trung phân khúc cho thuê nhà ở xã hội hơn là bán nhà ở xã hội. “Cần có chính sách cho thuê thì sẽ hợp lý hơn”, cử tri đề nghị và cho rằng trong việc giải bài toán nhà ở xã hội, TPHCM cần kết nối, tăng trách nhiệm của các doanh nghiệp có đông người lao động trong xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ, như vậy sẽ giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp.
Giá nhà ở xã hội tăng cao
Đại diện các sở ban ngành thông tin thêm đến các cử tri về vấn đề nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết thông tin, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 tuy nhiên hiện nay giá căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2 đến dưới 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng. Do đó, giá bán hiện nay không phải giá tự do mà giá bán đúng giá trị thật của căn hộ được kiểm toán, cộng với lãi định mức.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM đã đưa vào sử dụng 19 dự án với quy mô gần 15.000 căn (tổng diện tích 19 dự án này là hơn 24,6ha). Trong số này chỉ có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, các dự án còn lại sử dụng vốn doanh nghiệp. Về nguồn gốc đất, chỉ có 3 dự án có nguồn gốc đất từ đất quốc phòng an ninh và đất nhà nước.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, vấn đề là chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM phê duyệt kế hoạch nhà ở giai đoạn này, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở đó là 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các quận 7, quận 2, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.
Riêng các quận trong nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, TPHCM khuyến khích các quận huyện ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, cụ thể có 8 dự án. Tổng cộng các dự án này đáp ứng trên 35.000 căn hộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết thêm, hiện nay rà soát trên địa bàn TPHCM có 33 dự án (tổng diện tích trên 105ha, khoảng 70.000 căn hộ) có diện tích đất trên 10ha, bắt buộc phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, hiện nay về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.
Hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động năm 2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sở Xây dựng TPHCM đang trình UBND TPHCM các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội này xuống dưới 6 tháng để các chủ đầu tư triển khai thực hiện (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm). Hiện nay, TPHCM đã có quỹ đất và có thể thực hiện ngay 14 dự án với quy mô khoảng 15.000 căn hộ. Tuy nhiên việc này cần phải có ý kiến của các sở ngành và các cơ quan Trung ương đồng ý.
Để người dân, cử tri tiếp cận được các thông tin về nhà ở xã hội hiện nay, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trên trang web của sở có đầy đủ thông tin đối với các dự án, người dân có thể vào đây để nắm thông tin tìm hiểu cũng như liên hệ thêm với các chủ đầu tư dự án để đăng ký. Khi chủ đầu tư gửi danh sách đăng ký mua nhà ở xã hội về Sở Xây dựng TPHCM, đơn vị sẽ xem xét đủ điều kiện để mua hay không. Hiện nay, có trên 40 dự án đã và đang triển khai, người dân có thể tìm hiểu các dự án này để đăng ký mua.
Đối với các nguồn vốn vay, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay người dân chỉ được vay tối đa 900 triệu và không quá 70% giá trị căn hộ. Quá trình xét duyệt vay mua nhà ở cũng khá chặt chẽ. Nếu nhà ở xã hội miễn tiền sử dụng đất, nhà nước sẽ kiểm tra chặt chẽ giá trị căn hộ bán ra. Chủ đầu tư hoàn thành dự án và được nghiệm thu sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng kiểm toán, thẩm định giá bán.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay TPHCM rà soát các quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề nghị TPHCM thu hồi phần đất xây dựng nhà ở xã hội để giao lại cho các nhà đầu tư khác thực hiện nếu đủ điều kiện.