Cụ thể hóa quy định tiếp xúc cử tri trực tuyến

Thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, để giúp chủ thể có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc lựa chọn phương thức hoặc hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức tiếp xúc cử tri, cần bổ sung vào các nghị quyết nội dung giải thích về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành điều hành phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành điều hành phiên họp

Ngày 19-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 thẩm tra 3 nhóm nội dung chính dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 37.

Thông tin, kết quả tại phiên họp là cơ sở để Ủy ban Pháp luật hoàn thiện các báo cáo thẩm tra báo cáo với UBTVQH tại đợt 2 - phiên họp thứ 37 (bắt đầu từ ngày 23-9 tới đây).

Toàn cảnh UBPL 19.jpg
Quang cảnh phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nội dung quan trọng thứ 3 sẽ được cơ quan của Quốc hội thẩm tra là đề nghị bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về 2 dự thảo nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Phó Chủ nhiệm Ngô Trung Thành nêu rõ, việc xây dựng và ban hành các dự thảo nghị quyết liên tịch này nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

dự 19a.jpg
Đại biểu dự họp

Cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ các dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên, nội dung một số tài liệu như báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết thi hành... cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện.

Trong số các vấn đề có ý kiến khác nhau, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm giữ 2 dự thảo nghị quyết như hiện nay, cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết riêng biệt điều hành công tác tiếp xúc cử tri cho 2 đối tượng khác nhau sẽ thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, 2 dự thảo nghị quyết nêu trên có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng và đều có cùng cơ sở pháp lý là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giao quy định chi tiết. Do đó, việc hợp nhất 2 dự thảo nghị quyết giúp giảm bớt văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Về hình thức tiếp xúc cử tri, tại điều 7 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội quy định 4 hình thức tiếp xúc cử tri, gồm: tiếp xúc cử tri trực tiếp, tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến và hình thức tiếp xúc cử tri khác phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển của khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết mới chỉ giải thích từ ngữ về tiếp xúc cử tri trực tuyến. Thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng để giúp chủ thể có thẩm quyền thuận lợi hơn trong việc lựa chọn phương thức hoặc hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức tiếp xúc cử tri, cần bổ sung vào các nghị quyết nội dung giải thích về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến và tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục