Cù lao Long Phước : Đô thị sinh thái và du lịch trong tương lai

Cù lao Long Phước : Đô thị sinh thái và du lịch trong tương lai

UBND TPHCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị cù lao Long Phước, thuộc phường Long Phước quận 9 với diện tích quy hoạch 2.444 ha. Đây sẽ là một đô thị có sự cân bằng sinh thái tự nhiên của vùng đất có nhiều sông nước. 

Cù lao Long Phước : Đô thị sinh thái và du lịch trong tương lai ảnh 1

Một góc cù lao Long Phước. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Phường Long Phước nằm ở phía Đông của quận 9 và được bao bọc toàn bộ bởi sông Đồng Nai, sông Tắc, chính vì thế mà vùng đất này được gọi là cù lao. Tiềm năng cơ bản của Long Phước chính là quỹ đất còn rất lớn với nhiều sông nước tạo nên cảnh quan rất đẹp; có nhiều tuyến giao thông quan trọng của thành phố đi qua như đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây nối với tỉnh Đồng Nai cùng nhiều tuyến giao thông khác kết nối với đô thị mới Thủ Thiêm.

Điều này sẽ là lợi thế để phường Long Phước có điều kiện thu hút đầu tư, hình thành một khu đô thị mới với các dự án về du lịch sinh thái, nhà vườn, các khu vui chơi, giải trí và kể cả một số lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo…

Dự kiến, đến năm 2020, quy mô dân số toàn phường sẽ khoảng 50.000 người, sinh viên lưu trú khoảng 32.000 người và du khách vãng lai khoảng 1.000.000 người/ năm. Các khu ở sẽ tập trung ở phía Đông và một phần phía Tây đường Long Bình – Long Phước (đường D17). Cụ thể phân bổ như sau: Cụm 1: khu dân cư phía Tây đường Long Bình- Long Phước sẽ là khu dân cư xây dựng mới kết hợp chỉnh trang một phần khu dân cư hiện có.

Cụm 1 ước rộng 71ha với dân số: 10.142 người. Cụm 2: khu dân cư phía Đông đường Long Bình-Long Phước cũng sẽ là khu dân cư xây dựng mới kết hợp chỉnh trang một phần khu dân cư hiện có. Cụm 2 ước rộng 244 ha; dân số: 34.858 người.

Khu giáo dục – đào tạo đại học sẽ bố trí phía Tây đường Long Bình – Long Phước (đường D17), bao gồm khu đào tạo, khu ký túc xá và thể thao của các trường đại học. Khu công viên sinh thái kết hợp khu du lịch giải trí và nghỉ ngơi bố trí hai khu vực: phía Nam đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và khu vực phía Bắc cù lao Long Phước (phía Bắc đường Long Thuận).

Khu nông nghiệp kết hợp nhà vườn (mô hình trang trại), bố trí ba khu vực: Khu 1: Phía Bắc đường Long Thuận, giáp ranh phía Nam khu vực công viên sinh thái. Khu 2: phía Đông khu dân cư tập trung và giáp sông Đồng Nai. Khu 3: xen cài trong khu vực công viên sinh thái tại phía Nam đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Về quy hoạch giao thông, tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ Vành đai II đến sông Đồng Nai có lộ giới là 140m. Ngoài ra, dự kiến xây dựng mới thêm các trục đường và cầu qua sông Tắc (trên cơ sở tận dụng đường hiện có và nghiên cứu phát triển thêm) để tăng cường khả năng lưu thông, phục vụ yêu cầu phát triển đô thị của khu vực cù lao Long Phước. Giao thông thủy dựa trên sông Đồng Nai và sông Tắc

Các chỉ tiêu về quy hoạch được đưa ra: Đất ở: chỉ tiêu 40 – 42m2/người, đất công trình công cộng: 6m2/người – 8m2/người, đất cây xanh: 10m2/người – 12m2/người, đất giao thông:14m2/người – 16m2/ngươi. Mật độ xây dựng toàn khu từ 20% – 30%, tầng cao xây dựng 1 tầng – 5 tầng, hệ số sử dụng đất 0,2 – 1,5 lần.


  Bùi Nguyên Anh
 

Tin cùng chuyên mục