Má tôi bữa nào cũng dậy từ 3-4 giờ sáng, lo cơm nước, luộc củ khoai cho cả nhà để người lớn có cái dằn bụng ra ruộng, ra rẫy; lũ con nít như tụi tôi không bị sôi ruột khi ngồi trong lớp; mấy đứa mặt còn hôi sữa, vắt mũi chưa sạch thì nhờ đó ở nhà, thiếu người chăm sóc, có cái vét nồi, bớt khóc bớt la… Cái bánh cam phết kẹo đường với mè, bánh bột tréo áo bột đường, hay cục kẹo bòn bon tròn tròn, ngọt ngọt… là mơ ước cao xa của đứa học trò nghèo như tôi. Có lúc cũng thèm cà rem, thứ kem bánh dài dài toàn đá với bột kem mà người ta cắt ra một miếng hình tam giác bán 5 xu; đá bào nhận vô ly rồi chế chút xi rô xanh đỏ cũng 5 xu một ly… nhưng không có tiền. Vậy nên không lạ gì, có bữa tôi nổi cơn đè thằng bạn cùng lứa vô vách nhà để giằng cho được nửa trái bắp luộc…
Khoai củ bám theo mấy đứa tụi tôi cũng như nhiều người khác qua mấy hồi lận đận, cho đến tận cuối của cái gọi là thời kỳ gian khó. Lúc thóc cao gạo kém, tiêu chuẩn thiếu hụt, bữa cơm độn khoai củ, rồi cơm ít khoai củ nhiều, trở thành chuyện thường nhật. Má tôi, khi ấy thấy cả người lớn và trẻ con không xơi nổi mấy thứ bo bo, bột mì nóng người, ăn vô chín phần không biết bổ dưỡng được tới một, hai phần, chủ yếu độn cho no, bèn chế biến khoai mì, khoai lang, thậm chỉ cả khoai từ, khoai môn thành bánh hấp, bánh nướng, canh khoai... đủ kiểu. “Ngon má ơi!”. Mấy má con rưng rưng...
Ai biết để nói là ngon, má phải lặn lội tay rổ tay hái mấy thứ rau dại, rau dịu, rau mát, rau bợ, kể cả rau muống dại mọc lung tung ngoài đồng... để nhận vô nồi thập cẩm chống đói, không khác gì nồi cám heo. Ấy vậy mà, tới hồi thới lai, bây giờ khoai củ lên ngôi. Món khoai mì hấp nước dừa giờ 20.000 đồng một bịch; bánh khoai lang, khoai môn, thức ăn lý tưởng cho người giảm béo không hề rẻ. Có quán chuyên khoai mì hấp, nước mía ở Củ Chi làm giàu cả chục năm nay. Mấy tiệm, quán lấy khoai lang, khoai môn là nguyên liệu cũng làm giàu... khó tưởng tượng!
Ngày đi học của chú, bác, cậu, dì mình thì dài hơn mình nghĩ. Cậu Năm ngày đó, cùng mấy ông cậu họ, đi học từ làng ra huyện, đi bộ mấy cây số đường dài với cái mo cau dỡ theo ít cơm, có lẽ cũng có khoai. Chiều tối, cậu về trồng mướp, trồng bầu, trồng cải... Rồi trồng thuốc lá phải tưới bắt sâu, đều đặn, cực khổ trăm bề! “Số ổng khổ cực. Mà thực ra cũng còn may, cũng có sự học, dù ít ỏi!”, má tôi vẫn nhắc.
Má tôi thì nhờ được mấy tháng đi bình dân học vụ, tới lúc học vần ngược thì thôi, lo chuyện cơm nước, ruộng rẫy ở nhà. Coi vậy, má viết chữ đẹp, rõ ràng, dễ đọc; tính rợ không thua ai... Dì Út, cậu Út thì may mắn hơn, được cho đi học ở Sài Gòn. Cả nhà nên gia thế, có lẽ cũng nhờ hột lúa củ khoai, với lại ai cũng chân chất đi lên từ gian khó... Má tôi cũng hay nhắc, mỗi cuối tuần, dì, cậu về, trong nhà rất vui vì thế nào cũng có bánh mì ngon mua về. Cậu Năm sau này chạy xe ngựa, xe lam, đi đây đi đó thấy chỗ nào có món ngon, nhất là bánh mì ngon cũng mua về cho nhà.
Lại nói chuyện thèm. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông bán bánh mì chạy “te te” làng trên xóm dưới. Xe đạp, hai bên hai thùng bố đựng bánh mì, ở trên có mấy cái khay vuông vuông đựng cá mòi hộp, xíu mại, dưa leo, đồ chua... Trước xe có cái kèn tay nho nhỏ, nghe tiếng là ai nấy túa ra. Tôi lúc đó chỉ mơ được một khúc bánh mì nho nhỏ chan chút nước sốt, nước tương.
Sau này, tôi lớn lên, cũng đi học ở Sài Gòn, nhớ nhà, nhớ ngoại, nhớ má, tôi cũng không quên ghé mua bánh mì ngay chỗ ngã tư Hàng Xanh cùng con vịt quay, hay chí ít mấy hộp cá mòi Sumaco... Giờ, không nói ai cũng biết, bánh mì ở Sài Gòn - TPHCM ngập trời. Bánh mì ngon, hàng quán bánh mì lên hàng trăm, hàng ngàn, nhưng kiếm đâu ra ổ bánh mì chan nước sốt, nước tương thời xưa cũ của tôi! Mấy ổ bánh mì sum họp của gia đình... Rồi kiếm đâu ra mấy ổ bánh mì, mấy củ khoai lang, khoai mì thời đó, cứ lởn vởn như một ký ức khó phai mờ.