Cú huých tăng trưởng kinh tế từ “bắt tay” liên kết vùng

Ngày 29-11, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2023 - 2024 và triển khai Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024 – 2025. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM và lãnh đạo 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL.

Hội nghị Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 – 2024
Hội nghị Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2023 – 2024

6 lĩnh vực trọng điểm ưu tiên hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, TPHCM với 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực trọng tâm bao gồm phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.

hinh. satra 1.jpg
Lãnh đạo UBND TPHCM và lãnh đạo 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL tại hội nghị

Thực tế ghi nhận, việc hợp tác trên đã tạo cơ hội cho các tỉnh, thành triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng. Đơn cử, về kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại, TPHCM đã tổ chức đoàn doanh nghiệp, hệ thống phân phối chuyên nghiệp đến kết nối, khảo sát sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trong vùng; không chỉ vậy, còn tổ chức các sự kiện hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản của các địa phương đến người dân thành phố và khách du lịch, kết hợp giới thiệu các hoạt động văn hóa đặc trưng, được công nhận là di sản văn hóa của các vùng miền. “Chỉ tính riêng khu vực chợ Bình Điền do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV quản lý, trung bình mỗi đêm tiếp nhận nguồn hàng từ khu vực ĐBSCL 1.150 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng hàng hoá nhập chợ. Trong đó, nhóm hàng thủy sản chiếm phần lớn với 699 tấn, kế đến là nhóm hàng nông sản với 350 tấn và nhóm hàng súc sản, gia cầm với hơn 100 tấn” ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc SATRA chia sẻ.

Không chỉ vậy, TPHCM cũng đã có nhiều hợp tác trong các lĩnh vực khác như tăng kết nối giao thông thuỷ với các tỉnh, đưa du khách đến các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, trao đổi kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt. TP đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công tác đào tạo nhân lực, kinh nghiệm trong công tác phát triển y tế cơ sở, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tư nhân… Đặc biệt, TP triển khai xây dựng khung nền tảng (dưới hình thức trang web) về chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đến nay, nền tảng thông tin cơ bản đã được xây dựng và được Sở Thông tin và Truyền thông cấp tên miền hoạt động; nền tảng hiện đã được cập nhật các dữ liệu ban đầu và đang vận hành thử nghiệm tại địa chỉ: https://hcmc-mekong.tphcm.gov.vn.” Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết thêm.

“Bắt tay” gia tăng hiệu quả kinh tế vùng

Nhìn nhận về những thành tựu này, lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định, việc thực hiện thành công Thỏa thuận hợp tác sẽ góp phần hết sức ý nghĩa trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL, cũng của TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2025 -2030.

Do đó, trong thời gian tới, cần thiết TPHCM và các tỉnh thành sẽ triển khai hiệu quả hơn những nhóm lĩnh vực đã hợp tác trước đó. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, thiết lập thêm sự tham gia của các sàn thương mại điện tử lớn, các phiên bán hàng trực tuyến cho doanh nghiệp tham gia miễn phí để nâng cao tính thiết thực và và hiệu quả chương trình xúc tiến. Mặc khác, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nâng tầm đặc sản vùng miền, nhất là những sản phẩm OCOP, có tính đến gắn kết với các sự kiện du lịch. Đồng thời, khai thác yếu tố văn hóa bản địa để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, du lịch.

hidnh satra 3.jpg
Đoàn đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, đặc sản vùng miền và những sản phẩm OCOP

Riêng lĩnh vực y tế, giữa TPHCM và các tỉnh, thành sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực bằng cách tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn sâu, chuyên khoa phức tạp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực ngành y tế cho vùng.

hinh satra.jpg

Ở khía cạnh khác, lãnh đạo TPHCM đề nghị các tỉnh tiếp tục phối hợp nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án Vành đai 3. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cần tham gia tích cực vào các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kinh nghiệm, tiến bộ trong quản lý, kỹ thuật để cùng nhau phát triển, thịnh vượng.

Tin cùng chuyên mục