Sau gần 2 năm nhường đất cho dự án sân bay Long Thành, khoảng 1.500 hộ dân trong tổng số gần 5.500 hộ đã nhận đất tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; trong đó có gần 1.000 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu có nơi an cư mới. Bà Bùi Thị Vui (sinh năm 1975) cho biết, gia đình ở ấp 11 (xã Bình Sơn) có 12ha đất bị thu hồi, được Nhà nước bồi thường 6 tỷ đồng, cấp 1 lô đất xây nhà ở khu Lộc An - Bình Sơn. Gia đình tận dụng vỉa hè trước nhà bán nước giải khát, con cái đi làm công nhân nên bước đầu ổn định cuộc sống.
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) dài 11,26km, vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, giúp tăng kết nối TPHCM với Đồng Nai, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Đến nay, UBND huyện Nhơn Trạch đã xét tái định cư 444 lô/468 hộ và dự kiến bàn giao mặt bằng trong năm 2023. Ở dự án thành phần 4 có tổng diện tích thu hồi khoảng 65ha, UBND huyện Nhơn Trạch kiểm đếm hiện trạng được 743 hộ/749 hộ với diện tích 64,6ha. Huyện chuẩn bị sẵn 3 khu tái định cư Phú Đông, Phước An, Phú Hộ, đón bà con về sinh sống.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 chính thức khởi công xây dựng là một trong những dấu mốc quan trọng bậc nhất đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2023. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường sẽ kết nối với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải thông qua 2 tuyến đấu nối là 991B và 992, giúp hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng biển đến các khu công nghiệp trong tỉnh nhanh hơn và ngược lại. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang triển khai đồng bộ các đường đấu nối thuận tiện đến TP Bà Rịa, huyện Long Điền và TP Vũng Tàu.
Theo các chuyên gia, cùng với sân bay quốc tế Long Thành, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sẽ phát huy được các tiềm năng sẵn có và trở thành trục trọng tâm phát triển kinh tế của cả vùng. Với các doanh nghiệp, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí khi rút ngắn quãng đường, thời gian vận chuyển hàng hóa. Với người dân các địa phương trong vùng, thời gian về phố biển Vũng Tàu, Hồ Tràm để du lịch, nghỉ dưỡng sẽ giảm đáng kể so với hiện tại.
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, Bộ GTVT vừa có chủ trương đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 4 - TPHCM. Khi hệ thống đường bộ, sân bay, đường sắt và cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư, sẽ tăng tính kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ.