Sự phát triển của bóng chuyền nữ Việt Nam rất đáng được xem là hình mẫu tiêu biểu. Tại SEA Games 1997, chúng ta có chiếc Huy chương đồng đầu tiên với thế hệ của chủ công Hà Thu Dậu. Khi đó, chiều cao 1,76m của tay đập huyền thoại này vô cùng ấn tượng. Gần 30 năm trôi qua, bóng chuyền nữ nhảy vọt cả về chất và lượng.
Ở SEA Games 32, chiều cao trung bình của đội tuyển là 1,77m, hơn cả Thái Lan, trong đó có chủ công Thanh Thúy cao đến 1,93m. Sự phát triển thể chất cũng tương đồng với các thành tích ở tầm châu Á mà bóng chuyền nữ Việt Nam đã có hiện nay.
Dù không được đầu tư lớn ở cấp độ đội tuyển, vẫn thuộc diện phải “ăn đong” kinh phí và huấn luyện viên, nhưng bóng chuyền nữ Việt Nam đã chứng minh một sức sống đặc biệt.
Từ những năm 1990, chính bóng chuyền nữ là một trong những môn được xã hội hóa sớm nhất, có nhiều sự kiện quốc tế nhất, tiếp cận nhiều nhất với các trường phái bóng chuyền hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Thái Lan thông qua các giải đấu do chúng ta tự tổ chức. Chính sự chủ động ấy là cơ sở để bóng chuyền nữ Việt Nam duy trì được tính ổn định về thành tích và chờ đợi những thay đổi về yếu tố con người, tài năng.
Sự tiến bộ của bóng chuyền nữ cho thấy chiến lược đầu tư trọng điểm cho nhóm môn Olympic là đúng đắn, các giới hạn về thể chất, tư duy thi đấu đang dần được dỡ bỏ ở nhiều môn. Điều đó đặt ra yêu cầu ngành thể dục thể thao ưu tiên đầu tư có chiều sâu hơn nữa và rất cần sự chung sức của các nguồn lực xã hội để tạo nên một lộ trình phát triển có tính khoa học kết hợp được các yếu tố thời đại như con người, công nghệ, tài chính.
Biết cách khai thác tiềm năng, giữ được ngọn lửa đam mê, bồi đắp cho nội lực bằng sự kiên trì đáng kinh ngạc, đó là cách để bóng chuyền nữ Việt Nam tiến dần về đẳng cấp, vươn đến hạng 5 châu Á trong một môn chơi có tính phổ biến rất cao.
Điều thú vị là với nền tảng hiện tại, các “cô gái chân dài” của chúng ta còn sẵn sàng “tấn công” vào đấu trường thế giới. Họ chính là biểu tượng của tinh thần “không gì là không thể” và là bài học của khả năng tự vận động và khai thác tốt nguồn lực tại chỗ.