Cam kết mạnh mẽ
Với quyết tâm tạo cú hích mới cho những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại San Francisco là cơ hội để cộng đồng quốc tế chung tay đưa năm 2018 trở thành khởi đầu cho một giai đoạn mới của hành động và tham vọng mạnh mẽ hướng tới bảo vệ mái nhà xanh của Trái Đất. Đây là sự kiện do Thống đốc bang California Jerry Brown, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đồng chủ trì. Hội nghị đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giảm tác động của CO2 đối với con người. Điểm nổi bật tại hội nghị là cam kết chỉ cho phép loại xe không thải khí tham gia giao thông của lãnh đạo hàng chục bang, vùng và thành phố lớn. Chính quyền thành phố Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Rotterdam (Hà Lan), cùng với Paris (Pháp), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Mexico City (Mexico) đã cam kết chỉ sử dụng xe buýt điện vào năm 2025. Lãnh đạo của 27 thành phố lớn, từ New York đến London, thông báo đã thành công chặn lại đà tăng của lượng phát thải khí nhà kính gây ấm lên toàn cầu. Đáng chú ý là thành tựu này đạt được mà không ảnh hưởng tới mức tăng dân số và tăng trưởng nền kinh tế tại các đô thị trên, một kết quả nhờ vào việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng và giảm rác thải.
Cũng tại hội nghị, tập đoàn điện tử và giải trí Sony của Nhật Bản đã phát động sáng kiến “Con đường tới không” gồm các chiến dịch toàn cầu với năng lượng tái tạo. Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 140 tập đoàn đa quốc gia khác.
Cảnh báo gia tăng nhiệt độ toàn cầu
Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc, dự kiến công bố tháng 10 tới, nhiệt độ của toàn cầu có thể sẽ vượt quá giới hạn gia tăng là 1,50C đặt ra trong Hiệp định Paris. Các nhà khoa học tính toán rằng cần giảm khí thải toàn cầu trước năm 2020 để tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc Trái Đất nóng lên, như những đợt nóng chết người, hạn hán và nước biển dâng. Tháng 3 vừa qua, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố một báo cáo gây lo ngại khi thống kê cho biết năm 2017, lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng 1,4%. Điều đáng lưu ý là lượng phát thải CO2 trong năm 2017 tăng trở lại sau 3 năm liên tiếp chững lại và vào thời điểm chỉ một năm sau khi thỏa thuận Paris có hiệu lực. Theo IEA, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lượng khí thải tăng là do kinh tế toàn cầu năm 2017 tăng trưởng 3,7%. Bên cạnh đó còn là những lo ngại xung quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết giữ nước Mỹ đứng ngoài thỏa thuận Paris. Thiếu Mỹ, nước có lượng khí thải carbon lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đồng nghĩa với việc 17,89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không được giảm thiểu, tác động lớn đến kế hoạch khống chế mức tăng nhiệt của bầu khí quyển dưới 2%. Do thái độ cứng rắn của ông Donald Trump, các thị trưởng, thống đốc bang và các chủ doanh nghiệp tại Mỹ đã nỗ lực đưa ra nhiều quyết định nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Sau Hội nghị khí hậu ở thành phố San Francisco, chủ đề tình trạng biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sẽ tiếp tục chi phối bài phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới và đại diện cấp cao của các quốc gia tại phiên thảo luận chung của khóa họp 73 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA 73) diễn ra trong tuần tới.