BSE là sàn giao dịch tập trung vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện trong 3 năm qua để cung cấp một kênh mới cho nhiều công ty tiếp cận thị trường vốn. BSE tích cực thúc đẩy đổi mới và mở rộng của các SME, đồng thời hỗ trợ niêm yết công khai các doanh nghiệp dẫn đầu sự phát triển của lực lượng sản xuất chất lượng mới. Các công ty niêm yết trên BSE tập trung nhiều vào đổi mới.
Hơn 90% công ty là doanh nghiệp công nghệ cao, trong khi gần một nửa được gọi là “những gã khổng lồ nhỏ” - các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào sản xuất, chuyên về các thị trường ngách hoặc theo đuổi các công nghệ tiên tiến. Sau 3 năm, cho đến nay, 254 công ty niêm yết trên BSE đã huy động được tổng cộng 53,4 tỷ nhân dân tệ (7,54 tỷ USD).
Theo Global Times, cho đến nay, BSE cùng với Sở Giao dịch chứng khoán và báo giá quốc gia, một địa điểm giao dịch cổ phiếu quốc gia hoạt động song song với BSE, đã niêm yết gần 600 doanh nghiệp cấp huyện và hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu từ các khu vực dân tộc thiểu số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế quốc gia, nâng cấp công nghiệp và hỗ trợ thị trường việc làm.
Theo chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, Trung Quốc từ nhiều năm qua đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm phân bổ tốt hơn các nguồn lực nhằm hỗ trợ các SME tăng cường đổi mới công nghệ và theo đuổi sản xuất tiên tiến. Mục tiêu là đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng và tiên phong trong các lĩnh vực liên ngành tiên tiến. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành một trung tâm khoa học và đổi mới sáng tạo quan trọng của thế giới trong thời gian sớm nhất.
Với nguồn tài chính trung bình khoảng 200 triệu nhân dân tệ cho mỗi công ty, sàn giao dịch đã cung cấp vốn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận các kênh tài chính truyền thống. Theo ông Calvin Fu, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Trung tâm Tài chính quốc tế, nhìn chung việc thành lập BSE là một bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng mô hình phát triển mới.
Tại Hội nghị Công tác tài chính Trung ương được tổ chức vào tháng 10-2023, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nỗ lực đáng kể trong 5 lĩnh vực công nghệ - tài chính công nghệ, tài chính xanh, tài chính toàn diện, tài chính lương hưu và tài chính kỹ thuật số. Tại 2 phiên họp của năm nay được tổ chức vào tháng 3, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh đến việc phát triển các lực lượng sản xuất chất lượng mới trong bối cảnh đất nước đang đẩy nhanh nỗ lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng, các SME chuyên môn hóa và tinh vi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế của quốc gia, hiện đại hóa chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời đóng vai trò là lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và cải thiện hệ sinh thái công nghiệp.