Ngồi taxi mà nơm nớp thấy xe đi loằng ngoằng không biết sẽ phải trả tiền bao nhiêu đây, như việc mới xảy ra ở TP du lịch Đà Lạt, đi một đoạn ngắn bị chặt chém 150.000 đồng; vào nhà hàng uống một quả dừa có thể bị tính đến trăm ngàn đồng xảy ra ở TP du lịch Vũng Tàu; mua 2 chai nước ngọt bị chặt 60.000 đồng ở Bến Lức, rồi vì phàn nàn mà bị chủ quán gọi côn đồ hành hung suýt mất mạng... Thế nhưng những chuyện lặt vặt đó cũng chưa đáng gì so với những việc gian lận khác đang xảy ra nhan nhản.
Có nhiều gia đình “dở chết dở sống” vì đang cư ngụ yên lành bỗng dưng một ngày tối trời căn hộ hợp pháp của mình bị chủ đầu tư bán cho người khác. Chẳng hiểu những ông chủ đầu tư như vậy thuộc giống người gì? Lại nghĩ đôi chút về chuyện BOT trên các tuyến giao thông. Theo thông lệ quốc tế, các trạm thu phí chỉ được đặt trên những tuyến giao thông mới, ai muốn nhanh muốn tiện thì trả tiền mà đi, ai không thích thì theo đường cũ mà đi chẳng phải trả tiền. Vậy mà ở ta không hiểu sao trên các quốc lộ đã có từ rất lâu bỗng dưng đặt ra các trạm thu phí dày đặc. Không rõ những trạm đó tồn tại theo lý thuyết nào về kinh tế học? Trong lĩnh vực giáo dục, cái gian lộng hành ở chỗ bằng giả, học giả bằng thật, mua bán luận văn các cấp, phong học hàm tùy tiện... Gần đây là vụ gian lận điểm thi ở 3 Sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc trong kỳ tuyển sinh đại học 2018.
Hôm qua, dư luận lại nóng hổi về một anh nguyên lái taxi bỗng dưng thành một “nhà báo quốc tế” tầm cỡ. Anh ta tổ chức những cuộc ra mắt hoành tráng nhiều nơi từ các hội trường to lớn cho đến trường học quê nhà. Anh ta còn được nhiều quan chức đi cùng, thậm chí còn được mời thỉnh giảng đại học.
Đáng buồn, ở rất nhiều vụ việc, lẽ ra những người có chức trách phải chủ động tìm hiểu, đánh giá, làm rõ, thực thi trách nhiệm để ngăn chặn các hành vi xấu xa của bọn người gian dối, nhưng họ lại chỉ “vào cuộc” khi mà vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, dư luận đã vạch mặt những kẻ gian dối. Và rốt cuộc, họ cũng không bị xử lý trách nhiệm gì cả. Cứ để vậy sao?