Cháy nổ chung cư - nỗi bất an, ám ảnh
TPHCM hiện có 1.440 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5 lần so với năm 1975), chiếm 8,4% tổng số nhà ở trên toàn thành phố. Cháy nổ ở chung cư chưa bao giờ thôi là nỗi bất an, ám ảnh đối với nhiều cư dân. Đó cũng là niềm trăn trở, băn khoăn của cơ quan quản lý.
Gần đây nhất, vụ cháy xảy ra ở tầng 13, chung cư The Park Residence (huyện Nhà Bè, TPHCM) khiến cư dân hoảng sợ, sơ tán trong đêm. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hỏa hoạn bắt nguồn từ sự cố tủ điện tại tầng 13. Tương tự, một căn hộ ở tầng 12 chung cư Screc (quận 3, TPHCM) cháy ngùn ngụt thiêu rụi nhiều tài sản. Đáng nói, lúc xảy ra sự cố, chuông báo cháy chung cư hoàn toàn tê liệt. Mọi người gõ cửa từng căn hộ, hô hoán nhau tháo chạy. May thay, lực lượng chữa cháy tại chỗ kịp thời xử lý sự cố. Dù vậy, hàng trăm cư dân ở đây cũng đã trải qua một ngày hốt hoảng.
Đại biểu HĐND TPHCM Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị Công an TP công khai danh sách những chung cư không bảo đảm an toàn PCCC hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc. Đây là cơ sở giúp người dân, báo chí, dư luận giám sát, theo dõi tình hình |
Không ít người dân bày tỏ lo ngại về những ẩn họa cháy nổ ở tầng hầm chung cư. “Hàng trăm ô tô, xe máy chứa đầy xăng không khác gì những quả bom vừa cháy, vừa nổ vô cùng nguy hiểm. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ tại tầng hầm thì cư dân đành lực bất tòng tâm, phó thác số trời”, chị Nguyễn Hoàng Lan (31 tuổi, cư dân sinh sống tại một chung cư cao cấp ở quận 9, TPHCM) lo lắng.
Cần tăng nặng mức xử phạt
Trong một cuộc họp, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng (Phó Giám đốc Công an TPHCM) từng khẳng định tình trạng chung cư chưa nghiệm thu nhưng cư dân vào ở đông đúc là “câu chuyện đã bàn rất nhiều”. Pháp luật nêu rõ nếu phát hiện sai phạm ở chung cư, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động chung cư.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nhìn nhận, việc đình chỉ hay tạm đình chỉ hoạt động chung cư khi người dân đã vào ở không phải việc dễ. Bởi lẽ, dù chủ đầu tư chấp hành quyết định thì cư dân chưa chắc thực hiện. Chưa kể, mức xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị tại chung cư thực sự chưa đủ răn đe.
Vì thế, không ít chung cư chấp hành lệnh phạt xong rồi… trở lại hoạt động như thường. Chưa kể, một số chủ đầu tư dự án không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm PCCC, như thi công, lắp đặt thiết bị, vật tư không đúng thiết kế, sử dụng hàng kém chất lượng, dẫn đến hệ thống PCCC không kịp thời báo cháy hoặc báo cháy không đúng, không đáng tin cậy.
Một số ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý - vận hành nhà chung cư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo đảm PCCC. Lực lượng trực bảo vệ, trực PCCC tại chỗ không kịp thời phát hiện cháy và kỹ năng xử lý nguồn gây cháy không kịp thời, không hiệu quả.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TPHCM), mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC còn quá nhẹ, không làm chủ đầu tư e sợ. Bên cạnh đó, luật sư nhấn mạnh pháp luật hiện hành quy định rất rõ về PCCC - nếu để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điển hình, Công an TPHCM đã khởi tố hình sự đối với một số nhân sự quản lý, chủ đầu tư trong vụ cháy chung cư Carina Plaza. Luật sư Hậu đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tham mưu, đề xuất sửa đổi mức chế tài cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC theo hướng tăng nặng, nghiêm khắc. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến trách nhiệm từ phía nhà quản lý, quy định pháp luật, thì cư dân sống tại chung cư cần chung tay tham gia giám sát PCCC tại nơi mình đang sinh sống và chủ động báo ngay cho lực lượng PCCC để có hướng xử lý kịp thời nếu ban quản lý hoặc ban quản trị phớt lờ sai phạm.