Khẳng định vai trò chuyển đổi số
Ngày kỷ niệm 29 năm ra đời thương hiệu MobiFone trên thị trường Việt Nam (16-4-2022) gắn với dấu ấn đặc biệt là sự ra đời của nhân tố mới nhất hệ sinh thái MobiFone Money. Có mặt ở cửa hàng MobiFone 213 Xã Đàn để trải nghiệm dịch vụ MobiFone Money, chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) hài lòng kể, dịch vụ dường như đã đáp ứng tất cả nhu cầu của chị về tài chính trên không gian mạng, từ việc nộp tiền điện nước, đóng phí dịch vụ chung cư, tiền học cho con, chuyển khoản, giao đồ ăn, mua vé xem phim, thanh toán mua hàng.
Đây không phải là lần đầu sử dụng ví điện tử nhưng chị Hà cho biết sẽ gắn bó lâu dài với MobiFone Money bởi “tôi đã dùng mạng MobiFone nhiều năm, rất tin tưởng và hài lòng về chính sách chăm sóc khách hàng. Vấn đề tài chính nên tôi càng phải lựa chọn nơi mình tin tưởng”, chị Hà nói.
Chọn MobiFone Money làm dịch vụ quan trọng trong chuyển đổi số, MobiFone đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ và tâm huyết. Hệ sinh thái tài chính số này bao gồm nhiều sản phẩm như ví điện tử MobiFone Pay, tiền di động, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, hỗ trợ chuyển tiền điện tử, các dịch vụ tài chính khác như cho vay, hạn mức, bảo hiểm. Hệ sinh thái cung cấp hàng loạt các nhu cầu của người dùng từ dịch vụ thiết yếu như thanh toán hóa đơn, nộp các loại phí đến nạp điện thoại, mua data, chuyển tiền, mua sắm, giải trí, thanh toán tại các điểm bán hàng trực tiếp, mua bảo hiểm, thanh toán các khoản vay… Với MobiFone Money, hầu hết các nhu cầu, dịch vụ liên quan đến tài chính của người dùng đều được đáp ứng.
Hệ sinh thái tài chính số đang trở thành mắt xích trong chiến lược phát triển Tổng công ty Viễn thông MobiFone giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2035 với ba trụ cột chủ lực là hạ tầng số, nền tảng số và dịch vụ nội dung số.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ, MobiFone đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam. “Trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành doanh nghiệp công nghệ số có hạ tầng số chủ lực, hàng đầu quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số Việt Nam”.
Để thực hiện “cú chuyển mình” quan trọng này, MobiFone đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như phát triển mạng 5G với vị trí doanh nghiệp hàng đầu thị trường Việt Nam. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm make in MobiFone trong các lĩnh vực AI/ML, IoT, Big data, blockchain, bước đầu có doanh thu từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt bình quân trên 7%/năm (trong đó tăng trưởng doanh thu dịch vụ số/giải pháp số với mức phấn đấu tăng trưởng cao, đạt bình quân từ 12%-15%/năm - cao hơn mức dự báo bình quân toàn thị trường Việt Nam và gấp khoảng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia). “Hiện nay, Ban lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, công nhân viên MobiFone đang dành nhiều nguồn lực, trí tuệ cho mục tiêu này”, ông Tô Mạnh Cường chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo ông Tô Mạnh Cường, MobiFone vẫn dành nhiều nguồn lực để khẳng định vai trò doanh nghiệp chủ chốt trên thị trường viễn thông, tạo vị thế doanh nghiệp trụ cột của ngành thông tin và truyền thông.
Hành trình 29 năm khẳng định vị thế thương hiệu, niềm tin với khách hàng
Ngày 16-4-1993, nhà mạng MobiFone thành lập, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong phát triển ngành thông tin ở Việt Nam - lần đầu Việt Nam có mạng điện thoại di động. Ngay năm đầu tiên, MobiFone đạt được doanh thu 53,74 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8,9 tỷ đồng, đóng góp cho Ngân sách nhà nước 1,16 tỷ đồng. Con số đáng mơ ước ở thời điểm đó, nhất là khi nhà mạng phải vượt qua những thách thức ngày đầu thành lập.
Trải qua 29 năm xây dựng và phát triển, số vốn chủ sở hữu của MobiFone đã tăng từ hơn 63 tỷ đồng (cuối năm 1995) lên 23.616 tỷ đồng (cuối năm 2021). Tổng doanh thu lũy kế đạt 517,8 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 103,35 nghìn tỷ đồng, tổng nộp Ngân sách nhà nước lũy kế đạt 80,5 nghìn tỷ đồng.
MobiFone đã trở thành “ông lớn” trong ngành viễn thông cũng như hệ thống doanh nghiệp Việt Nam khi 3 năm liên tiếp ở Tốp 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (2019-2021) do Forbes Việt Nam xếp hạng. Tốp 100 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới 5 năm liên tiếp 2017-2020 theo báo cáo của Brand Finance.
Đạt được hàng loạt thành tựu trong hành trình phát triển nhưng niềm tự hào lớn nhất của MobiFone là sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng khi liên tục được vinh danh nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam. Ba năm liên tiếp (2019-2021) nhận giải thưởng “Nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về chất lượng chăm sóc khách hàng băng thông rộng di động”. Giải thưởng quốc tế Stevie Awards với đề cử Số hóa chương trình Kết nối dài lâu thuộc lĩnh vực giải thưởng Đổi mới trong dịch vụ khách hàng ngành viễn thông năm 2021.
Ông Tô Mạnh Cường chia sẻ, trong bất cứ giai đoạn nào, nhiệm vụ quan trọng nhất của những người MobiFone vẫn là chăm sóc khách hàng tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chu đáo nhất. Vì vậy, MobiFone định hướng đến năm 2030, phấn đấu trở thành doanh nghiệp viễn thông đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ mới với các phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng viễn thông toàn diện, mạng 5G, hạ tầng cloud, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, đảm bảo chất lượng cung cấp trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền tảng cho các ứng dụng chính phủ điện tử.
“MobiFone sẽ phát triển, ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm thiết lập các cách thức mới cung cấp các dịch vụ/giải pháp vượt trội cho khách hàng, thúc đẩy cá thể hóa trải nghiệm khách hàng và đồng hành cùng khách hàng kiến tạo cuộc sống số, xây dựng xã hội số”, Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ.