Vai trò của Anh
Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh Anne-Marie Trevelyan, đây là dấu mốc quan trọng trên con đường gia nhập CPTPP của Anh nhằm cho phép nước này tạo ra các mối liên kết chặt chẽ hơn với cả “những người bạn cũ” cũng như một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Anh xem việc gia nhập CPTPP là một phần quan trọng trong kế hoạch đa dạng hóa thương mại của nước này sau khi rời Liên minh châu Âu. London hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP.
Việc tham gia CPTPP theo cấu trúc hiện nay có thể mang lại cho nền kinh tế Anh thêm khoảng 1,8 tỷ bảng Anh (tương đương 2,5 tỷ USD) trong dài hạn hoặc tương đương gần 0,1% tổng sản phẩm quốc nội nước này giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Mặc dù lợi ích từ việc xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế rất nhỏ, song việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Anh mở rộng thêm các quyền tiếp cận vào các nước thành viên của CPTPP trong nhiều lĩnh vực bao gồm pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp.
Ngoài ra, việc tham gia CPTPP được cho sẽ mang lại việc làm, hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu và đưa nước Anh vào vị trí trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Không muốn chậm chân
Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Dan Tehan cho biết, khả năng Mỹ tham gia một hiệp định thương mại tự do kỹ thuật số khu vực có thể là bước đầu tiên để nước này trở thành thành viên CPTPP.
Bộ trưởng Tehan cho hay, trong chuyến công du tới Mỹ gần đây, ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Katherine Tai về một thỏa thuận thương mại khu vực kỹ thuật số, giống như bước đầu tiên đưa Mỹ tái can dự về kinh tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2020 là nước Mỹ sẽ không tham gia CPTPP nhưng trong những tuần gần đây đã xuất hiện một số thông tin về việc chính quyền của ông đang tìm cách tham gia hiệp định này.
Theo các nhà kinh tế, vì Mỹ đóng vai trò chính trong việc định ra các quy tắc của CPTPP ngay từ đầu nên việc gia nhập trở lại sẽ tương đối đơn giản và có lẽ Mỹ sẽ dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của hiệp định hơn các nền kinh tế khác.
Cũng trong tháng 9, Trung Quốc thông báo họ đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP. Theo các nhà phân tích, việc tham gia CPTPP sẽ tiếp tục củng cố vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có lợi thế đáng kể trong việc tham gia hiệp định và Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hầu hết các thành viên CPTPP. Một số nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... cũng bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP.
Phần lớn các thành viên CPTPP coi việc mở rộng hiệp định này là cách quan trọng để củng cố thêm sức mạnh. Vấn đề còn lại là nếu gia nhập CPTPP, các ứng viên phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của các thành viên CPTPP. Điều này đòi hỏi các ứng viên phải giải quyết xong những tranh chấp nếu có giữa họ với các thành viên CPTPP. Tiến trình này có thể sẽ không đơn giản.
CPTPP được hình thành vào năm 2018, trở thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia (bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam). Ước tính, khu vực thương mại tự do này chiếm 13% tổng GDP toàn cầu. |