Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-6, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2-2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2-2020; nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019.
Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020; nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong cả giai đoạn 2011-2021.
Trong quý 2 - quý bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 - CPI bình quân tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% - mức tăng thấp nhất trong 5 năm. CPI tháng 6-2021 tăng chủ yếu do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; bên cạnh đó là lực “đẩy” của giá điện, nước sinh hoạt theo nhu cầu tiêu dùng.
Lạm phát cơ bản tháng 6-2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.