Tác động trực tiếp lên các lĩnh vực
Theo bà Georgieva, vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự đoán về kinh tế thế giới trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại có chút suy yếu hơn so với thời điểm Trung Quốc đối mặt với dịch Hội chứng viêm đường hô cấp (SARS) năm 2003. Do đó, mức độ ảnh hưởng đối với riêng kinh tế Trung Quốc và toàn thế giới cũng có sự khác biệt. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2020, so với mức tăng trưởng 10% của nước này trong năm 2003.
Trước đó, Tổng Giám đốc IMF nhận định rằng Covid-19 sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Thế giới đang chứng kiến những hệ quả trực tiếp dần hình thành ở lĩnh vực sản xuất, các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn do bệnh dịch tạo ra. Các lĩnh vực như vận tải hành khách và du lịch cũng đã bị thiệt hại trực tiếp trong nhiều tuần qua.
Trong khi đó, giới chức Mỹ tỏ ra dè dặt trong việc đưa những dự báo về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đối với kinh tế Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định, Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc là vấn đề không phải bàn cãi, nhưng đối với kinh tế Mỹ, ông cho rằng dịch bệnh sẽ không gây ảnh hưởng sau năm 2020. Ông nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình.
Đồng quan điểm với Tổng giám đốc IMF, giới chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định, các tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới sẽ chỉ ở mức hạn chế. Giáo sư kinh tế học Khairi Tourk, Trường Kinh doanh Stuart thuộc Học viện Công nghệ Illinois tại Chicago (Mỹ), cho biết sẽ có một số tác động tiêu cực trong quý 1-2020, nhưng phần còn lại của năm 2020, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. So sánh tỷ lệ tử vong vì Covid-19 với các dịch bệnh khác như Zika và Ebola, Giáo sư Tourk cho biết, con số này thấp hơn và các tác động tiêu cực của dịch bệnh đã bị phóng đại.
Lên kế hoạch đối phó
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, thể chế tài chính này đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để hỗ trợ Trung Quốc, bao gồm việc tư vấn kinh nghiệm ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế từng xảy ra trước đây, nhưng loại trừ mọi phương án hỗ trợ tài chính cho Trung Quốc với lý do nước này hiện đang sẵn có những nguồn lực dồi dào. Phát biểu của Chủ tịch WB được đưa ra trong bối cảnh một số nguồn tin trong giới ngân hàng cho biết, hơn 300 doanh nghiệp tại Trung Quốc đại lục, từ lĩnh vực chuyển phát đồ ăn tới sản xuất điện thoại thông minh, đang cần huy động khoản tiền hơn 8,2 tỷ USD. Theo ước tính của một chuyên gia kinh tế thuộc Chính phủ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chững lại ở mức 5% hoặc thấp hơn trong quý 1 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo nhận định của Straits Times, dịch Covid-19 đã làm nổi bật vấn đề Trung Quốc là nguồn rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu do chiếm đến 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Nếu Covid-19 gây tác động mạnh lên nền kinh tế Trung Quốc, một số nước châu Á phải đối mặt với rủi ro trong triển vọng tăng trưởng kinh tế. Hiện Nhật Bản và Malaysia đang tìm cách giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, chính phủ nước này sẽ công bố gói kích cầu kinh tế nhằm đối phó với những tác động do Covid-19 gây ra trong thời gian tới. Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ Malaysia cần phải chi từ 10 đến 15 tỷ ringgit (2,5 đến 3,8 tỷ USD) nhằm ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế do ảnh hưởng xấu từ sự bùng nổ dịch bệnh, nhất là ngành du lịch của nước này. Thời điểm công bố gói kích cầu sẽ vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe yêu cầu các bộ trưởng đề ra các biện pháp sử dụng khoản dự trữ trong ngân sách nhà nước và triển khai các biện pháp này càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết tác động này đối với nền kinh tế.