Công nghệ này dùng laser kiểm soát các electron trên các đám mây, khiến chúng giảm phóng tia sét. Chùm tia laser sẽ chạy dọc theo tháp truyền tải cao hơn 120m, sau đó bắn lên các đám mây.
Ông Wolf đã nghiên cứu tia laser trong hơn 20 năm và đặc biệt say mê với việc dùng laser để kiểm soát thời tiết. Laser tạo ra chùm ánh sáng rất hẹp với năng lượng cao. Các ứng dụng của laser rất đa dạng, từ cắt kim cương đến phẫu thuật, hay đọc mã vạch.
Nhóm nghiên cứu được EU tài trợ, đến từ các trường đại học ở Paris (Pháp) và Lausanne (Thụy Sĩ), tập đoàn sản xuất tên lửa châu Âu ArianeGroup và công ty sản xuất laser công nghệ cao Trumpf (Đức). Sau một năm trì hoãn vì đại dịch, tia laser đã được vận chuyển đến đỉnh Säntis, một ngọn núi ở dãy Alps của Thụy Sĩ với độ cao 2.500m.
Theo ông Wolf, đây là một trong những nơi bị sét đánh nhiều nhất ở châu Âu. Một tháp truyền sóng vô tuyến ở đó bị sét đánh 100 - 400 lần/năm. Vì vậy, đó là nơi lý tưởng để thực hiện các thí nghiệm về laser chống sét. Cột thu lôi truyền thống chỉ có thể bảo vệ một khu vực giới hạn trên mặt đất, bất kể được đặt ở độ cao nào.
Với công nghệ mới, ông Wolf hy vọng tia laser sẽ giúp bảo vệ một khu vực rộng lớn hơn trên mặt đất khỏi sét đánh.