Ở cuối mũi địa chất Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có một gành biển rất lớn, dân bản xứ gọi là Gành Cả. Hôm nay, nơi đó là “ốc đảo” của 300 hộ ngư dân quần cư, sinh sống đoàn kết, ngày càng giàu mạnh. Hơn thế, ngư dân Gành Cả còn là những thợ lặn gan dạ, dưới lòng đại dương họ như loài “cọp biển”, thường lặn ở độ sâu đến 40m.
Chuyện cũ ở Hoàng Sa
Ở mũi địa chất Bình Châu, những ngư dân Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) là lớp ngư dân Việt đặt chân lên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sớm và bám đảo lâu năm nhất. Nghe kể, từ trăm năm trước, họ đã rong ruổi vượt biển, mưu sinh bằng nghề lặn dưới đáy đảo Hoàng Sa.
Ông Bùi Văn Tẩn (58 tuổi, xóm Gành Cả), giải nghĩa: “Gành Cả có nghĩa là gành lớn ngoài cửa biển. Ở đó, có những người luôn đi tiên phong trong nghề biển, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió”. “Cọp biển” Nguyễn Thanh Nam (55 tuổi, xóm Gành Cả) kể rằng, ngày cũ, ngư dân Gành Cả sử dụng những con tàu bằng gỗ treo buồm, phụ thêm máy nổ công suất nhỏ để vượt biển, ra đảo hành nghề. Những con tàu nhỏ đi từ 2 đến 3 hôm là bắt đầu nghe thấy chim biển kêu, mới biết đã đến đảo Hoàng Sa. “Hoàng Sa hồi ấy nhiều cá lớn lắm! Nào là cá mú, hồng, mó, ngừ, dìa... Ngoài đó có dải cát vàng, rừng cây thâm thấp rậm rịt, có nhiều chim biển và tàu cổ bị đắm…”, ông Nam kể.
Hầu hết con em Gành Cả ở tuổi 17 đến 20 đều theo cha anh ra đảo Hoàng Sa để học làm “cọp biển”. Do biển Hoàng Sa sản vật trù phú nên từ sớm “cọp biển” Gành Cả đã thấy mùi tìm đến để hành nghề. Họ tận dụng những bãi rạn, gành đá ngầm dưới đáy đảo, dàn trận săn cá lớn. Ở độ sâu đến 40m, thợ lặn Gành Cả mặc sức vùng vẫy để chinh phục những loài cá lớn. Đêm tối, đại dương càng sâu thẳm và lạnh lẽo hơn. Đó cũng là thời khắc để “cọp biển” Gành Cả nhập cuộc săn đêm. Những thợ lặn lục lọi khắp các bãi rạn, hốc đá sâu từ 35-40m để săn cá.
“Chúng tôi chỉ săn những loài cá lớn, cá xuất khẩu từ 4-5kg trở lên, không bắt cá nhỏ. Trước kia, khi chưa có điện, chúng tôi chế ra các loại bóng đèn dành cho thợ lặn rất hiệu quả. Khi lặn đêm cần 3 dụng cụ chỉa sắt, bóng đèn, lưới rút. Thấy cá lớn đang ngủ trong hốc đá, thợ săn chỉ cần đưa chỉa vào miệng cá là cá sẽ dính chỉa. Lặn đêm trúng mánh lắm! Có đêm bắt về vài tấn cá. Tàu nào cũng no nê, thu về hàng trăm triệu đồng”, ông Nam kể lại.
Theo ông Nam, ngày trước không có dự báo thời tiết, ngư dân Gành Cả ra biển chỉ dựa vào kinh nghiệm để canh trời, đoán bão. Có ca dao truyền lại ở Gành Cả rằng: “Trời đóng rễ quạt thì mưa to/Gặp ráng đỏ coi chừng gió bão”, họ cứ theo ngữ ấy mà hành nghề. Khi gặp bão biển, nếu tình huống cấp thiết, những con tàu sẽ kéo nhau nương náu vào 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản lĩnh “cọp biển”
Ngư dân Gành Cả rất gan góc, luôn trong tâm thế của những con “cọp đói” giữa lòng đại dương. Dù vậy, cũng có khi “cọp” phải ăn quả đắng giữa biển lạnh. Như trường hợp của ông Nam, đã phải mang tật suốt đời vì nghề lặn. Hay trường hợp khác, ông Trương Phúc (60 tuổi) cũng mang thương tật vì tai biến, khi lặn ở tầng sâu 40m, chịu áp suất cao. Có thợ lặn còn bỏ mạng giữa lòng biển lạnh, hoặc không thì lúc già cũng mang tật về tai, mắt… “Thật ra, từ trước nhận thấy thứ nghề mà ngư dân Gành Cả đeo bám vốn nguy hiểm, địa phương đã khuyên cấm. Nhưng nghiệp đã mang vào thân, giờ bỏ không được đâu. Nghề lặn làm cho Gành Cả thay da đổi thịt như hôm nay. Hơn nữa, tạo cơ hội để chúng tôi góp sức mọn vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Nam tâm sự.
Trò chuyện với cụ Bùi Thơ (88 tuổi, xóm Gành Cả), cụ cho biết, Gành Cả trước kia chỉ là một bãi dại, gành đá lởm chởm không có người ở. Về sau, bão biển càn đến, mới lộ ra dải nham thạch núi lửa bằng phẳng. Từ đó, lớp người hướng biển trong xã Bình Châu tìm đến khai hoang lập làng, mới có xóm vạn Gành Cả hôm nay.
“Trước kia thì cực lắm. Cái xóm vạn chỉ bé tí, lụp xụp nhà tranh vách đất. Bão càn vào là cuốn trôi hết nhà cửa ra biển. Bé thế thôi, nhưng khi có chiến tranh, Gành Cả cũng là một trận địa hết sức hiểm trở để bộ đội ẩn náu chống trả địch. Có lần, kẻ thù lục tìm không ra bộ đội, trút giận bằng việc bắt bớ dân làng vô tội ra bắn, giết. Nhưng dù kẻ thù gian ác cỡ nào thì dân làng nơi đây vẫn không hề lung lay, khuất phục. Người Gành Cả đã khẳng định bản lĩnh giữa lòng đại dương như thế nào thì đối đáp lại giặc thế đó”, cụ Thơ tự hào nói.
“Cọp biển” Bùi Thơ hôm nay đã về gành. Cụ sống ở sát vách biển Đông. Trước sự đổi thay của quê hương, cụ tự hào lắm: “Lớp trẻ hôm nay táo bạo hơn nhiều. Chúng ra biển với những con tàu khổng lồ, đi hàng tháng trời không hết nhiên liệu, lương thực. Có tàu về trúng bạc tỷ, tàu nào cũng no nê”.
Tỷ phú Gành Cả
Chỉ vài năm, khi ngành thủy sản nước nhà cải tiến, làng biển Gành Cả, xuất hiện rất nhiều tỷ phú. Rảo quanh ngôi làng hôm nay, thấy được một tương lai tươi sáng. Nơi đó hội đủ mọi điều kiện để đi lên và vững mạnh hơn. Đường sá khang trang, tươm tất. Không còn cảnh lem luốc, lụp xụp “nếp tranh, vách đất” ngày cũ. Thay thế là những nhà lầu, biệt phủ mọc ken dày. Ông Nam và ông Tẩn đều là những tỷ phú của “ốc đảo” này. Họ đang nắm trong tay những đội tàu 20-30 lao động, làm ăn rất khấm khá. Ngôi biệt phủ của ông Nam nằm ở cuối làng biển, nổi nhất Gành Cả. Ông Nam nói, cơ ngơi của gia đình ông đều nhờ vào 3 con tàu, ngày đêm hành nghề ngoài biển.
Ông Nam tự hào: “Với 3 con tàu đó, gia đình tôi đã tạo công ăn việc làm cho trên 30 lao động thường xuyên tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bây giờ, những con tàu của chúng tôi đã được nhà nước tạo điều kiện, trang bị hiện đại, với những thiết bị định vị, dò tìm bầy cá lớn; công suất từ 700-900CV. Đội tàu Gành Cả hôm nay đã lớn mạnh, nổi danh nhất nhì xứ biển Sa Kỳ”.
Tương tự, lão ngư Bùi Văn Tẩn, cũng đang sở hữu con tàu mang số hiệu QNg 90962-TS, làm ăn phất lên. Ông Tẩn luôn đi đầu trong các phong trào vận động anh, em tổ đội vươn khơi bám biển. Ông Tẩn phấn khởi: “Những chuyến biển hôm nay thu lãi khá. Nhất là khoảng 7 năm trở lại đây, nhiều tàu cá chỉ vươn khơi vài chuyến là đủ tiền xây nhà lầu khang trang. Nhìn chung gần 300 hộ ngư dân xóm Gành Cả đều làm ăn khấm khá, tương đồng”.
Ông Võ Tuấn Miên, Trưởng thôn Châu Thuận Biển (Bình Châu) cũng thừa nhận: “Khoảng 7 năm trở lại đây, ngư dân Gành Cả phất lên rất nhanh bởi biết tiếp thu và đóng tàu lớn để vươn khơi đánh bắt. Khi đời sống lên cao, các ngư dân bắt đầu quan tâm đến việc học hành của con em, để không còn nạn mù chữ như trước”. Ngoài sự khang trang rực rỡ, Gành Cả hôm nay lại rất có tiềm năng để khai thác du lịch. Nơi ấy có vành đai địa chất núi lửa đã tắt triệu năm trước, kéo dài ra biển. Ở đó còn có loài cát đỏ, cát vàng hết sức độc đáo. Nhìn ra biển, 2 bên tả, hữu của Gành Cả là 2 hòn đảo “hờ”, tục gọi là hòn Nhàn và hòn Ao rất có giá trị địa chất.