Trong thời gian các tỉnh khu vực ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ truyền thống đã phải tạm đóng cửa để phục vụ phòng chống dịch dẫn tới việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu dồn lên vai các đơn vị bán lẻ hiện đại.
Theo đánh giá của Sở Công thương các tỉnh trong khu vực, việc khan hiếm, tăng giá hàng hóa chỉ diễn ra trong mấy ngày đầu tại một số chợ truyền thống khi mới thực hiện giãn cách xã hội. Ngay sau đó tình hình đã được cải thiện do có sự vào cuộc của các kênh bán lẻ hiện đại như Co.opmart (Saigon Co.op), Vinmart & Vinmart+, Bách hóa Xanh… cũng như các doanh nghiệp bưu chính là Viettel Post, VNPost…
Điển hình hệ thống siêu thị Co.opmart của nhà bán lẻ Saigon Co.op đã có trải đều khắp các tỉnh từ Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp… cho tới Kiên Giang và Cà Mau. Tại các địa phương, ngay từ khi dịch mới tái bùng phát, theo chủ trương của Saigon Co.op, các siêu thị Co.opmart này đều tăng lượng hàng lên gấp 3 lần so với ngày thường và đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục để phục vụ người dân.
Chẳng hạn tại tỉnh Đồng Tháp, 4 siêu thị Co.opmart gồm: Co.opmart Hồng Ngự, Co.opmart Sa Đéc, Co.opmart Tháp Mười và Co.opmart Cao Lãnh, ngoài bán hàng trực tiếp còn tăng cường bố trí lực lượng bán hàng qua website/điện thoại. Trên các trang mạng của hệ thống Co.opmart danh mục hàng hóa được thể hiện bằng hình ảnh, có giá niêm yết, người mua chỉ cần chọn và đặt hàng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thêm nhiều lựa chọn khi thanh toán bằng thẻ ATM, thẻ visa, ví điện tử... hoặc trả tiền trực tiếp khi nhận hàng.
Hiện tại, các tỉnh ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 8, do đó cũng như các hệ thống Co.opmart trên toàn quốc, các siêu thị Co.opmart trong khu vực đã xây dựng những giải pháp tốt nhất hỗ trợ người tiêu dùng như: bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, tươi sống, không tăng giá sản phẩm; đồng thời nhận đặt hàng qua điện thoại, Zalo... mang đến sự tiện lợi nhất cho khách hàng.