Phục chế thành công bức tranh quý “ Em Thúy”

Khởi đầu một tương lai gìn giữ những tác phẩm hội họa

Khởi đầu một tương lai gìn giữ những tác phẩm hội họa

Vậy là bức tranh nổi tiếng nhất của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được phục chế xong và bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày 28-6 vừa qua. Đây không phải là một sự kiện quá lớn lao trong giới “cầm cọ”, song rõ ràng việc gìn giữ những bức tranh quý đương nhiên không thể thờ ơ… và nó đặt ra một câu hỏi cho hàng loạt các bức tranh tiếp theo cũng đang nằm chờ những “bàn tay” nhân ái.

Khởi đầu một tương lai gìn giữ những tác phẩm hội họa ảnh 1

Chuyên gia phục chế tranh người Úc Caroline Fry cùng cộng sự Việt Nam tiếp tục phục chế tranh.

Theo chuyên gia phục chế tranh người Úc Caroline Fry (thuộc Trung tâm phục chế vật phẩm văn hóa Đại học Melbourne), thực trạng bỏ ngỏ nhiều bức tranh xuống cấp của các tác giả nổi tiếng Việt Nam là thực tế đáng buồn. Nếu không có giải pháp cấp bách thì e rằng trong thời gian ngắn nữa, một số bức tranh dù công nghệ có cao đến đâu cũng khó cứu vãn nổi.

Việc Caroline biết tới tác phẩm “Em Thúy” khá tình cờ - qua Paul Zetter, một người Anh sống và làm việc tại Việt Nam. “- Đó là một người bạn của tôi, Paul rất mê tác phẩm “Em Thúy”, anh ấy đã sáng tác bản nhạc cho bức tranh này, và sau đó gửi cho tôi những thông tin về bức tranh qua mạng. Quả là bức tranh đã gây cho tôi sự bất ngờ. Và tôi đã nhận phục chế bức “Em Thúy”ù qua lời mời của tổ chức Asia Link qua quỹ tài trợ của Chính phủ Úc”- Caroline nói.

Miệt mài trong vòng 3 tháng, Caroline cùng các cộng sự người Việt Nam đã phục chế hoàn hảo bức tranh “Em Thúy”. Có thể thấy niềm vui của Caroline qua nụ cười mãn nguyện: “ – Trước đây, tôi chưa biết nhiều về hội họa ở Việt Nam. Và đã 3 tháng ở đất nước các bạn, tìm hiểu về hội họa. Tất nhiên đó chỉ là khoảng thời gian ngắn, nên tôi chỉ có thể nói rằng những bức tranh quý của các bạn họa sĩ vẽ rất tốt, đề tài thú vị, nhưng khâu bảo quản thì cần phải xem lại nếu không muốn nói là quá kém. Và tôi sẵn sàng cầm cố ngôi nhà riêng của mình ở Úc, tạm gác lại công việc ở trường đại học nếu có một tổ chức nào đó mời tôi sang phục chế tiếp những bức tranh của các bạn đang ở tình trạng hỏng nặng”.

Bức tranh “Em Thúy” sau khi phục chế.

Bức tranh “Em Thúy” sau khi phục chế.

Anh Nguyễn Mạnh Hải (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho biết: “Caroline đã hướng dẫn cho chúng tôi một số phương pháp phục chế tranh. Ở ta chưa có các phương tiện kỹ thuật hiện đại nên cả chuyên gia và chúng tôi phải tiến hành công việc bằng những cách hết sức thô sơ, thủ công. Tuy nhiên, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều về việc phục chế tranh qua sự hướng dẫn khá tận tình của Caroline”.

Cũng theo anh Hải, trong số 73 bức tranh màu dầu được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật, còn nhiều bức đang rơi vào tình trạnh hỏng nặng như: “Đền Phất Lộc” (Bùi Xuân Phái); “ Thiếu nữ” (Mai Trung Thứ); “Bình văn” (Lê Huy Miên); “ Thiếu nữ Nhật Bản” (Lương Xuân Nhị )…

Thực tế ở Việt Nam chưa có một phương án nào cho việc phục chế các bức tranh quý. Đã đến lúc những người có trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật của đất nước cần nhìn nhận việc này một cách thực sự nghiêm túc. Có thể, bức họa “ Em Thúy” sẽ là bước khởi đầu cho những bức tranh quý của ta đang từng ngày chờ phục chế.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục