Cụ thể, tại cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5-6-2018, có 737 container tồn đọng trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng. Tổng số container tồn dưới 90 ngày là 507.
Tại cảng Cát Lái, tính đến ngày 23-6, có 2.068 container tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cảng và 1.563 container tồn dưới 90 ngày. Cùng thời điểm, ở cảng Cái Mép (ICIT, TCCT) và Hiệp Phước không có container tồn trên 90 ngày; song cũng có (lần lượt) tới 772 container và 8 container tồn dưới 90 ngày.
Mặc dù Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, kiểm tra, ngăn chặn phế liệu không đáp ứng quy định, song hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
Đơn cử, tại điểm b khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014 quy định: “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”. Tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
Như vậy, hiện đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng lại chưa có quy định về chế tài xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu trên.
Tổng cục Hải quan hiện đang chuẩn bị trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền khi không thực hiện vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan năm 2014.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng phế liệu, tiến tới là cấm nhập khẩu phế liệu – thông tin tại cuộc họp cho biết.
Hiện nay, cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nói chung và phế liệu nói riêng trên cơ sở quy định chính sách quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành, cụ thể đối với phế liệu là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép thông quan khi đáp ứng đầy đủ các quy định về pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường.
Vẫn theo cơ quan hải quan, để khẩn trương xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ùn ứ tại cảng biển, Tổng cục Hải quan đang yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xử lý theo hướng đối với hàng hóa tồn từ 30-90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị doanh nghiệp kinh doanh cảng có thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu đứng tên trên vận đơn sớm làm thủ tục nhập khẩu hoặc tái xuất lô hàng (nếu không đủ điều kiện nhập khẩu).
Đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu tồn trên 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có văn bản thông báo và yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng có trách nhiệm bố trí khu vực riêng lưu giữ hàng hóa là phế liệu tồn tại cảng, có biện pháp đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp kinh doanh cảng phối hợp với hãng tàu thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.