
Theo đánh giá của nhiều người, trong số các cổng xe lửa từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu, cổng xe lửa số 9 là nguy hiểm hơn cả.

Không phải giờ cao điểm nhưng cổng xe lửa số 9 luôn dày đặc xe cộ và người.
Giao cắt với đường Trần Khát Chân (phường 9 quận Phú Nhuận), một trục đường giao thông nhỏ hẹp, lại sát với một chợ xổm và khu vực dân cư đông đúc, cổng xe lửa số 9 luôn trong tình trạng đông người và xe cộ qua lại.
Gần đây, việc phân luồng giao thông một chiều trên đường Nguyễn Kiệm khiến cho dòng xe trên đường Hồ Văn Huê và các đường lân cận chuyển hướng băng qua cổng xe lửa số 9 ra Hoàng Văn Thụ và ngược lại đã làm cho nơi đây quá tải vào những giờ cao điểm. Vậy mà, qua nhiều năm, nơi đây vẫn chưa có một cổng chắn an toàn.
Mới đây, vào lúc 10 giờ 15 ngày 21-11, bà Trần Thị Hương, 54 tuổi, một bệnh nhân tâm thần đã bị chuyến tàu TN2 Sài Gòn - Hà Nội đụng chết tại chỗ khi bà băng ngang cổng xe lửa số 9. Còn trước đó, theo bà con thuật lại, vào tháng 8-2006, chuyến tàu TN4 Sài Gòn – Hà Nội đã húc vào một xe gắn máy đang cố vượt qua đường ray. Hai người trên xe và cả chiếc xe bị lôi đi một đoạn hơn 20m làm cho một người chết tại chỗ, một người trong tình trạng nguy kịch.
Đã từng có một chiếc du lịch 4 chỗ đời mới lưu thông trên đường Trần Khát Chân hướng về Hoàng Văn Thụ lao vào đoàn tàu khi đến cổng xe lửa số 9. Chiếc xe bị hất tung sang một bên và nhiều người trên xe bị thương vong.
Cần có một cổng chắn có người trực gác tại cổng xe lửa số 9 là điều mong mỏi rất chính đáng của bà con nhằm ngăn ngừa những tai nạn thương tâm. Thiết nghĩ ngành đường sắt và các ngành chức năng liên quan sớm có giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho khu vực này.
Trần Phương Đông