
5 công viên nước (CVN) có quy mô lớn tại TPHCM hiện đang hoạt động theo quy chế của các hồ bơi. Sự quản lý lỏng lẻo và nhập nhằng này đã dẫn đến tình trạng những nguyên tắc vệ sinh an toàn trong các CVN không được đảm bảo.
- Nơi nào cũng vi phạm

Theo bảng “Quy chế hoạt động của các hồ bơi trên địa bàn TPHCM” mà theo lời giải thích của ông Phạm Cát Ngọc - người phụ trách phong trào hội viên của Liên đoàn thể thao dưới nước (LĐTTDN) TPHCM, được áp dụng cho cả CVN thì hầu như ở đâu cũng có vi phạm. CVN Đại Thế Giới thiếu nhiều bảng khuyến cáo và nội quy sinh hoạt của các trò chơi, nhiều trò chơi không được hướng dẫn cách chơi và đối tượng được tham gia.
Một khách chơi tỏ ý lo ngại khi cùng tôi chứng kiến một bé trai cao chưa đến 1,2m đứng trên một cái bục cao và cố nhoài người ra chụp khung sắt được gắn một dãy dài để trổ tài làm Tarzan trong khi bên dưới hồ nước có rất nhiều người.
Không gian nhỏ hẹp nên hồ Tarzan có đến 5 trò chơi, trong đó 3 trò chơi được bố trí trên cao, khách chơi từ trên cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào cho nên việc va chạm là không thể tránh khỏi. Một hồ nước khác rộng chỉ khoảng 5m2 lại là điểm đổ xuống của 1 máng trượt “cơn lốc xoáy” và 3 làn trượt “đường đua cao tốc”.
Ở Đầm Sen nhìn chung lực lượng cứu hộ làm khá tốt nhiệm vụ nhưng vẫn còn để nhiều em bé cao chưa tới 1,2m tham gia những trò chơi bị cấm, như trò đu dây vượt thác, dòng sông hoang dã. Còn ở Đại Thế Giới, theo quan sát của chúng tôi, cứ 5 người tham gia trượt nước thì có đến 3 người không trượt đúng tư thế. Kiểu trượt chạy lấy đà để tăng vận tốc và quỳ gối để trượt cho bốc được ưa chuộng nhất.
Nhìn những bé trai đang lao xuống trong tư thế quỳ gối với vận tốc kinh hồn ai cũng phải lắc đầu nhưng không thấy nhân viên cứu hộ nhắc nhở. Lực lượng cứu hộ mỏng, đôi khi vắng mặt cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra tai nạn. Bên cạnh những thiếu sót trên thì sai phạm về mặt chuyên môn kỹ thuật không phải là không có. Ở CVN Đầm Sen, hồ tạo sóng không có tay nắm ở hai bên thành hồ, ven bờ “Dòng sông Haha” của Đại Thế Giới được trang trí bằng những viên đá giả lởm chởm rất nguy hiểm.
Phao bơi ở CVN Đầm Sen bị mất tay cầm, ống trượt nước ở CVN Củ Chi bị rò rỉ… Đó là chưa kể vấn đề vệ sinh ở các CVN vẫn chưa tốt. Khu vực nhúng chân ở Củ Chi thì khô queo, dưới đáy hồ đầy cặn, ở CVN Đầm Sen và Đại Thế Giới thì đôi lúc thấy cả vỏ kẹo, chai nước suối, lá cây…
- Rất nhiều sơ hở trong quản lý

Khu vực nguy hiểm, nhưng nhiều em nhỏ vẫn thản nhiên đứng nhảy.
Ảnh: VIỆT DŨNG
Công tác quản lý các CVN quá lỏng lẻo và những câu trả lời chất vấn theo kiểu đùn đẩy trách nhiệm của các ngành chức năng khiến ai cũng phải băn khoăn. Dù ra đời đã lâu nhưng các CVN vẫn chưa có một quy chế hoạt động riêng mà phải dùng chung với hồ bơi. Chính sự nhập nhằng này đã làm cho những người có trách nhiệm quản lý thật sự lúng túng. Theo quy định thì các CVN muốn hoạt động phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật, vệ sinh an toàn do 2 cơ quan là Sở Y tế và Sở TDTT kiểm tra.
Nhưng theo ông Nghiêm Xuân Cừ – Tổng thư ký LĐTTDN TPHCM thì liên đoàn chỉ quản lý dưới nước còn các trang thiết bị như máng trượt, dây đu… thì không nằm trong chuyên môn. Ông Phạm Cát Ngọc còn cho biết thêm: Thường thì doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, xây dựng xong mới mời liên đoàn đến kiểm tra. Lúc này, nếu thấy sai phạm thì nhắc nhở, yêu cầu chỉnh sửa lại ở một mức độ nào đó thôi chứ không thể có biện pháp nào mạnh tay hơn. Vì vậy mới có chuyện các CVN làm sai nguyên tắc nhưng vẫn được hoạt động.
Từ khâu cấp giấy phép đã có những bất cập như thế nên trong công tác quản lý còn có nhiều kẽ hở hơn. Ông Ngọc thừa nhận: “Trên địa bàn thành phố có đến hàng trăm hồ bơi và CVN nên chúng tôi làm không xuể. Vừa qua chúng tôi chỉ mới đi kiểm tra ở hồ bơi thôi”. Theo quy định thì các CVN phải gởi báo cáo định kỳ về hoạt động của mình cho liên đoàn, nhất là khi có sự cố xảy ra, nhưng ông Ngọc cho biết: “Chỉ những tai nạn gây chết người như trường hợp ở Sài Gòn Water Worth thì họ mới báo còn những vụ nhỏ thì doanh nghiệp tự giải quyết”.
Thế nên thiệt thòi nhiều nhất vẫn thuộc về khách tham gia trò chơi. Theo ông Cừ, LĐTTDNTP cũng có trách nhiệm, nhưng ông lại nói: “Chúng tôi cần chia sẻ một phần trách nhiệm cho bộ phận xây dựng, kiểm tra công trình. Là bộ phận chuyên trách về thể thao dưới nước mà tai nạn xảy ra “ở trên cạn” cũng bắt chúng tôi chịu thì không hợp lý lắm”.
Bên cạnh những bất cập kể trên thì quan trọng hơn là hiện nay chưa có một biện pháp chế tài nào đối với những CVN vi phạm. LĐTTDN TPHCM chỉ là cơ quan có trách nhiệm nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế. Ông Cừ nói: “Phải có những quy định phù hợp đối với loại hình này chứ không thể gộp chung với hồ bơi được. Nên giao cho một cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm và phải có các biện pháp chế tài nhất định”.
Bây giờ là mùa hè, mùa cao điểm của các CVN. Trước tình hình an toàn không được bảo đảm như hiện nay thì khách đến chơi ở các CVN đành phải tự bảo vệ mình là chính.
THIÊN KIM