Lời cam kết của Viettel
Giữa tháng 1-2024, tại lễ khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên tại Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng nhấn mạnh: “Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistics thông minh”. Người đứng đầu Viettel cũng yêu cầu Viettel Post phải thực hiện bằng được nhiệm vụ xây dựng hạ tầng logistics quốc gia bao gồm công viên logistics, cửa khẩu thông minh, cảng cạn ICD… góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
Thời điểm đó, yêu cầu của người đứng đầu Viettel có vẻ như sẽ khó thực hiện trong thời gian ngắn bởi có quá nhiều việc cần phải hoàn thành, với nhiều dự án thành phần rất phức tạp. Khó là Việt Nam chưa từng có một công viên logistics nào, khó nữa là sẽ phải làm việc giữa Việt Nam và Trung Quốc về cơ chế, chính sách cho phép thông quan tại Công viên Logistics Viettel, phức tạp là khối lượng triển khai rất đồ sộ, không chỉ về các hạng mục xây dựng mà còn là các công nghệ cần triển khai.
Với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng và quy mô hơn 143ha tại huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), Công viên Logistics Viettel được xem là dự án logistics tiên phong, hội tụ công nghệ hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Rất ít người có thể tin là một dự án lớn, đặc biệt phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ ban ngành của 2 quốc gia (Việt Nam - Trung Quốc) lại có thể đi vào hoạt động trong năm 2024 vì chỉ còn khoảng 5 tháng là hết năm.
Thế nhưng, người Viettel đã nói là làm bằng được và quyết tâm đó còn được ủng hộ bởi nhiều cấp bởi ai cũng mong muốn giải quyết sớm tình trạng tắc biên lúc cao điểm: không ai còn muốn thấy cảnh phải giải cứu thanh long, dưa hấu… ở cửa khẩu Lạng Sơn.
Viettel Post đã tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng và công nghệ với sự giúp đỡ của các cơ quan chứng năng và các đối tác chuyên nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành cửa khẩu như Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, chính quyền tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT, đối tác Maxvision, đối tác Bắc Đầu… Chỉ trong 3 tuần, toàn bộ hạ tầng đã được hoàn thiện với sự góp sức của gần 500 người làm việc 24/7; 50 hệ thống công nghệ với gần 1.500 tính năng đã được lắp đặt và hoàn thiện.
Ngày 14-11-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Công viên logistics Viettel và trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Tổng cục Hải Quan… tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án đi vào hoạt động trong tháng 12-2024. Những văn bản quan trọng nhất như giấy phép công nhận địa điểm hải quan kiểm tra hàng hóa tập trung, giấy phép cho xe Trung Quốc hoạt động, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đã được cấp ngay trước ngày khai trương.
Không dừng lại ở đó
Gần 500 công nhân và kỹ sư của Viettel Post liên tục có mặt tại dự án ngày đêm với mục tiêu cao độ nhất, đưa dự án cán đích đúng tiến độ. Sau nhiều nỗ lực, giai đoạn 1 của dự án với diện tích khoảng 58ha đã hoàn thiện và chính thức khai trương. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng.
Ngày 11-12-2024, Công viên Logistics Viettel ở Lạng Sơn đã chính thức khai trương, mở ra một chương mới cho các dịch vụ logistics toàn trình xuyên biên giới ở cửa khẩu. Kể từ đây, nỗi ám ảnh tắc biên dẫn tới việc hàng nông sản tươi sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kêu gọi giải cứu hoặc đổ bỏ đã có lời giải. Công viên Logistics này cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm tải áp lực tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái logistics hiện đại, thúc đẩy kinh tế vùng biên. Khả năng thông quan trước đây của cửa khẩu Lạng Sơn chỉ dưới 1.500 xe/ngày thì giờ đã tăng hơn gấp đôi với Công viên Logistics Viettel.
Điểm khác biệt của Công viên Logistics Viettel là toàn bộ hệ thống được ứng dụng công nghệ tiên tiến, hướng tới tự động hóa như phân luồng xe thông minh, chia chọn hàng hóa thương mại điện tử, cổng thông quan thông minh và hàng rào bảo vệ tích hợp công nghệ AI, RFID, NFC.
Theo ước tính, Công viên Logistics Viettel khi đi vào hoạt động sẽ mang lại doanh thu hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm, mở rộng không gian tăng trưởng và đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu; kỳ vọng là một trong các dịch vụ chủ lực giúp Vietel Post đạt mức doanh thu tỷ USD.
Thông qua việc khai trương dự án Công viên Logistics, Tập đoàn Viettel một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong và cam kết trong phát triển hạ tầng logistics hiện đại. Đây là dấu mốc khẳng định bước tiến của Viettel trong hành trình trở thành thương hiệu logistics hàng đầu của khu vực và thế giới.
Tại buổi lễ khai trương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng lại một lần nữa nhấn mạnh về con đường mà Viettel sẽ đi với tinh thần: không dừng lại ở đó! “Trong thời gian tới, Viettel sẽ hoàn thiện mạng lưới các trung tâm logistics trên toàn quốc, phục vụ các khu vực kinh tế trọng điểm với 5 định hướng: cửa khẩu thông minh, trung tâm logistics nông sản, trung tâm logistics trong khu công nghiệp, hạ tầng chuỗi cung ứng, mạng lưới vận tải đa phương thức. Từ đó, tạo ra hệ sinh thái logistics thông minh, tự động hóa, kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không”, người đứng đầu của Viettel chia sẻ.