Ở giữa lòng Hà Nội, công viên Lênin là một điểm nhấn trang trọng, đẹp đẽ của thủ đô yêu dấu. Nằm giữa ba đường phố lớn Hoàng Diệu, Trần Phú, Điện Biên Phủ, đối diện với Cột cờ Hà Nội, kề cạnh Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, công viên Lênin hấp dẫn nhiều người không chỉ ở vị trí đắc địa, ở không gian thoáng đãng có nhiều cây xanh bao quanh mà còn ở những dư âm quá khứ bi tráng của dân tộc.
Và tất nhiên, không thể không nói đến lòng yêu mến kính trọng của chúng ta đối với Lênin, vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới. Vào những ngày lễ lớn của đất nước ta, đặc biệt đến ngày sinh Lênin và ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11) dưới chân tượng đài của Người, luôn có những lẵng hoa tươi rực rỡ. Sớm chiều, nhiều người dân Hà Nội đến đây dạo bộ, tập thể dục và là nơi tụ họp vui chơi của các cháu thiếu nhi.
Hiện nay, công viên có diện tích khoảng 17.000m² nhưng từ thời xa xưa nó là một hồ nước mang tên Hồ Voi. Người ta kể rằng, đây là nơi quân lính tắm cho voi nên hồ mới có tên đó. Đường Trần Phú bây giờ chính là tường thành phía Nam của Hà Nội xưa.
Từ năm 1894 đến 1897, sau khi chiếm và phá thành Hà Nội, thực dân Pháp cho lấp Hồ Voi làm vườn hoa và đặt cho nó một cái tên vô cùng xa lạ với dân ta là Robin. Những kẻ xâm lược ấy cho dựng lên ở đây một cụm tượng đài có hai lính Pháp; một tên giương súng chĩa vào Cột cờ, một tên vung tay ném lựu đạn. Bốn mặt xung quanh bệ tượng đài, chúng cho đắp hình ảnh các tầng lớp người dân bản xứ là sĩ, nông, công, thương. Ngôn ngữ của tượng đài toát lên sự ngạo mạn kệch cỡm của kẻ thực dân xâm lược, sự khinh bỉ coi thường của chúng đối với dân tộc ta. Mặt trước của bệ đắp hình người nông dân vác cày, dắt trâu ra đồng. Chính vì thế mà nhân dân ta không gọi vườn hoa này là Robin mà tự đặt cho nó một cái tên rất Việt Nam là Canh Nông.
Mùa thu năm 1945, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và nhân dân Hà Nội phá bỏ tượng đài thực dân ở vườn hoa Canh Nông tuy vẫn giữ nguyên cảnh quan của nó. Sau đó, vườn hoa được mang tên Chi Lăng - địa danh gắn với một chiến thắng lừng lẫy của nghĩa quân Lam Sơn chống Nhà Minh xâm lược năm 1427.
Năm 1982, Đảng và Nhà nước ta quyết định xây tượng đài Lênin ở vườn hoa Chi Lăng. Ngày 20-8-1985, bức tượng Lênin bằng đồng cao 5,2m đã được đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7m, quay mặt ra đường Điện Biên Phủ. Một đường phố mang tên chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, quân đội ta.
Từ 7-10-2003, vườn hoa Chi Lăng được mang tên công viên Lênin. Cái tên công viên Lênin đã trở nên quen thuộc với nhân dân Hà Nội, nhân dân Việt Nam như niềm yêu mến kính trọng phẩm chất tài năng xuất chúng của vị lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và chưa bao giờ mờ phai trong lòng chúng ta.
Thanh Khê