Chuyển đổi công nghệ
Trong lần làm việc với lãnh đạo thành phố mới đây, ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) cho biết: Dự án “Chuyển đổi công nghệ Đa Phước” sẽ đầu tư ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích hơn 12 hecta, có công suất xử lý 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, vốn đầu tư hơn 432 triệu USD. Mục tiêu của dự án là giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa; biến rác thải thành điện năng, phân bón lỏng, khí hóa lỏng CNG, phân compost; giảm phát thải carbon và khí nhà kính…
Theo đó, trong tổng số 3.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, sau khi “sàng, lọc, lựa rác”, dự án sẽ đốt rác phát điện 1.000 tấn/ngày; sử dụng công nghệ ủ kỵ khí AD công suất 1.800 tấn/ngày và sản xuất compost công suất 500 tấn/ngày và những hạng mục khác.
Ưu điểm của dự án là kết hợp các công nghệ tiên tiến của Phần Lan và Mỹ nên hệ thống xử lý khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, đến khâu tạo ra sản phẩm. Tận dụng và xử lý tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt đầu vào. Chế biến rác thải thành điện năng và sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường như phân bón hữu cơ, khí CNG, điện năng. Đặc biệt là giảm tỉ lệ chôn lấp tối đa, hệ thống xử lý thiết kế kín, kết hợp với bộ lọc sinh học nhằm ngăn ngừa phát tán mùi hôi ra bên ngoài.
Mục tiêu của thành phố là ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nghị quyết thành phố đặt ra là phải xử lý rác thải bằng hình thức đốt phát điện, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Do đó, nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ là tất yếu. Dự báo trong thời gian tới, quy mô phát triển kinh tế, dân số của thành phố sẽ không ngừng gia tăng. Do đó, khối lượng rác thải cũng sẽ tăng, yêu cầu xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường thành phố càng được chú trọng.
Trong sự kiện gặp gỡ lãnh đạo TPHCM và các sở ngành để kiều bào đóng góp những ý kiến cho sự phát triển TPHCM trong chiều ngày 13-1, góp ý về các giải pháp xử lý môi trường của TPHCM, ông David Dương chia sẻ: “Ở Hoa Kỳ chúng tôi nhận thu gom xử lý rác cho những thành phố lớn. Hơn 10 năm trước chúng tôi trở về đầu tư ở TPHCM với tổng số vốn trên 150 triệu USD để xử lý rác. Ở Hoa Kỳ chúng tôi làm tất cả các công đoạn thu gom, xử lý, giáo dục, tuyên truyền và lắp đặt các thùng rác. Tôi nghĩ, nếu muốn kêu gọi người dân đừng xả rác thì mình phải tuyên truyền giáo dục nhiều hơn nữa, nhất là rèn luyện ý thức từ khi còn nhỏ”.
Về việc thu gom rác, TPHCM cần có những trạm trung chuyển khép kín tập trung các thùng xe tải ép rác tự động để dễ dàng vận chuyển rác, không gây ra mùi và không làm rác ứ đọng, rơi vãi từ các xe ba gác thu gom, vận chuyển rác. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thùng rác công cộng thông minh để người dân có đầy đủ phương tiện bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, giúp cho công tác thu gom rác được thực hiện gọn gàng và phù hợp với mỹ quan của TP.
Ngoài ra, TP cần nâng cấp, trang bị các loại xe vận chuyển rác chuyên dụng thân thiện với môi trường có trọng tải lớn, được trang bị đầy đủ đèn trước và sau, gắn camera, gắn định vị GPS để có thể hướng dẫn tuyến đường lưu thông ngắn nhất, hiệu quả nhất, hạn chế tối đa thời gian di chuyển trên đường do kẹt xe…
Bên cạnh đó, TP cần xây dựng hệ thống khép kín các công nghệ xử lý rác tiên tiến để đạt hiệu quả cao về mặt kinh tế và tạo ra những sản phẩm cần thiết cho xã hội như đốt rác phát điện, sản xuất khí nén thiên nhiên CNG, phân bón hữu cơ, đất nông nghiệp sạch và vật liệu xây dựng.