Rừng trồng xanh tốt
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy (đóng tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) được chuyển đổi từ Công ty Đầu tư Phát triển Lâm Nông Công nghiệp và Dịch vụ Kon Rẫy, hiện đang quản lý diện tích 29.108,665ha, trong đó diện tích có rừng là 27.826,155ha. Những năm qua, song song với nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên, công ty cũng trồng lại rừng theo các dự án đã được phê duyệt.
Có mặt tại khu vực đồi cao ở xã Đắk Côi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi ghi nhận bên ngoài khu rừng tự nhiên là vạt rừng thông được trồng phủ kín các quả đồi. Các cây thông trồng đã cao nhiều mét, mọc đều. Một người dân đi làm rẫy ở khu vực nói: “Tôi làm rẫy gần đây nên biết rõ chỗ rừng trồng này hồi xưa là đồi trọc. Những năm qua, công ty đưa người và chở cây giống vào trồng và chăm sóc rất kỹ, giúp cải thiện môi trường xung quanh, khiến thời tiết mát hẳn”…
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, khi triển khai thực hiện trồng rừng theo các dự án đã được phê duyệt, đơn vị đều thông báo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để họ biết và đăng ký tham gia trồng. Công ty ưu tiên những hộ gia đình còn khó khăn và có nhu cầu tham gia trồng để giúp họ có thêm thu nhập.
Các hộ dân tham gia cũng hiểu và rất có ý thức trong việc trồng, chăm sóc rừng, thậm chí trở thành “tai mắt” cho công ty trong việc phát hiện những đối tượng có ý định xâm hại rừng trồng. Những năm qua, công ty đã phát triển thêm nhiều diện tích rừng trồng mới.
Ngoài diện tích rừng trồng được chuyển giao từ chương trình 327,661ha, từ năm năm 2014 đến 2016, công ty đã trồng được 614,42ha, nâng tổng diện tích rừng trồng hiện có lên thành 1.507,215ha. Nhiều diện tích rừng trồng phát triển rất tốt, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng.
Kinh doanh bền vững rừng trồng theo mô hình khép kín
Trồng rừng đã khó, bảo vệ và giữ màu xanh của rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều vị trí rừng trồng nằm giáp với rẫy dân nên rất dễ bị tác động. Bên cạnh đó, những năm qua, tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến cho rừng trồng có thể cháy bất cứ lúc nào.
“Để ngăn chặn tình trạng xâm lấn rừng trồng để làm rẫy và tình trạng cháy rừng, công ty đã có nhiều biện pháp ngăn chặn từ gốc. Tại những vị trí rừng trồng gần rẫy dân, đơn vị cử cán bộ thường xuyên xuống thôn, bản để truyên truyền cho dân hiểu vai trò của rừng trồng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, giữ nước, điều tiết khí hậu. Nhờ vậy, người dân hiểu, có ý thức hơn. Còn vấn đề ngăn cháy rừng, thường ngày công ty đều cử cán bộ theo dõi, thu dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa. Công tác bảo vệ đặc biệt được chú trọng, nhất là công tác phòng cháy chữa cháy. Vào đầu mùa khô, công ty làm hợp đồng thời vụ với từ 10 đến 15 người để thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất của những người sống gần rừng, sử dụng lửa, phát nương, làm rẫy gần khu vực rừng trồng. Công ty tổ chức kiểm tra, theo dõi công tác trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24. Nhờ thế mà tình trạng cháy rừng trồng, hay rừng trồng bị xâm lấn được hạn chế rất nhiều”, một cán bộ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết.
Cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, việc trồng rừng gặp một số khó khăn như đơn giá trồng rừng các năm trước còn thấp so với các ngành khác, dẫn đến một số nơi người dân chưa tích cực tham gia trồng.
Vị trí trồng rừng khá xa, đường lại đồi dốc, quanh co nên khó khăn trong việc vận chuyển, chăm sóc, tuần tra bảo vệ. Ngoài ra, rừng thông có chu kỳ kinh doanh dài (từ 25 năm đến 30 năm) nên chi phí đầu tư kéo dài. Trong khi tiềm lực tài chính của công ty còn hạn chế, nguồn thu chủ yếu từ dịch vụ môi trường rừng.
Nguồn thu này mới cơ bản giải quyết chi phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng thông qua tự tổ chức quản lý và giao khoán đến cộng đồng nhận khoán. Trong năm 2019, công ty chưa có kế hoạch trồng mới.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy định hướng trong giai đoạn 2020-2025 như sau: Ngoài nhiệm vụ quản lý diện tích rừng tự nhiên trên lâm phần được giao, công ty sẽ thực hiện kinh doanh bền vững diện tích rừng trồng hiện có với mô hình khép kín: Trồng - Khai thác - Chế biến - Tiêu thụ và Trồng lại rừng.